Ngăn ''bà hỏa'' tại điểm du lịch, tâm linh

Đời sống - Ngày đăng : 06:28, 03/04/2022

(HNM) - Các điểm du lịch, di tích tâm linh trên địa bàn Thủ đô luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Để ngăn “bà hỏa” tấn công khu vực này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng chính quyền các cấp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa từ xa.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy cho một hộ kinh doanh tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Dương Hiệp

Phòng hơn chống

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), tính từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn Thủ đô không xảy ra cháy, nổ tại các điểm du lịch, di tích tâm linh. Có được kết quả này là nhờ công tác triển khai phòng cháy, chữa cháy ở cấp cơ sở được quán triệt sâu sắc. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, huyện Mỹ Đức đã thành lập và ra mắt Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Cùng với đó, Công an huyện đã chủ động kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), trong đó đặc biệt lưu ý các hộ dân kinh doanh ăn uống, nghỉ trọ chuẩn bị thật tốt các điều kiện để kịp thời xử lý ngay các vụ cháy nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ngay từ đầu năm 2022, khi các cơ sở thờ tự, điểm du lịch mở cửa trở lại, bên cạnh việc tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19, các đền, chùa, nhà thờ, điểm du lịch, khách sạn đã được các ban quản lý và Công an quận Hoàn Kiếm tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Theo Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, để chủ động phòng cháy, vào những ngày rằm, mùng một, ngày lễ, Tết khi người dân có thói quen thắp hương và đốt vàng mã tại các điểm tâm linh, Công an quận đã tập trung kiểm tra hệ thống điện, kiểm tra cách bố trí tài sản, hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ sở, ban quản lý di tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Hiện việc sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại những nơi thắp hương, hóa vàng mã đã được các cơ sở quan tâm hơn. 

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nhìn chung, các điểm du lịch, di tích tâm linh trên địa bàn Thủ đô cơ bản được trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí khu hóa vàng bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Nhiều di tích, đền, chùa đã sử dụng đèn điện thay cho việc thắp nến nên điều kiện cháy, nổ đã giảm.

Nâng cao khả năng chữa cháy từ cơ sở

Đối diện với nguy cơ cháy nổ, các cơ sở văn hóa tâm linh, khu di tích lịch sử, điểm du lịch trước hết cần thực hiện đúng theo các quy định và chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Về vấn đề này, Thượng tá Lã Văn Tuyên, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì cho biết, mới đây huyện Thanh Trì đã triển khai mô hình khu dân cư an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn xã Ngọc Hồi và sẽ tiếp tục triển khai trên địa bàn các xã Tân Triều, Tả Thanh Oai, Liên Ninh… là nơi có nhiều khu di tích, đồng thời cũng là điểm du lịch về nguồn quan trọng như di tích chiến thắng Ngọc Hồi, di tích lịch sử quốc gia đình Triều Khúc… Công an huyện đã trang bị cho bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cụm trưởng các cụm dân cư các kiến thức cơ bản về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không chỉ tại khu dân cư mà còn ở những nơi công cộng và các cụm di tích danh thắng trên địa bàn. Bên cạnh đó, những cán bộ cơ sở này cũng được thực hành những kỹ năng cơ bản nhất khi xảy ra cháy nổ.

Trưởng ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Bá Hiển cho biết, để bảo đảm không có cháy nổ, chập điện xảy ra tại lễ hội chùa Hương - lễ hội có thời gian dài nhất cả nước - nhất là khu vực nhà hàng, quán kinh doanh dịch vụ, ăn uống và bến xe, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đã tổ chức tập huấn, ký cam kết đối với các cơ sở lưu trú và các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực lễ hội. Cùng với đó là thành lập đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở ngay tại di tích. Tại bến xe khách Hương Sơn, điểm trông giữ xe, chợ Hương Sơn, chùa Thiên Trù, động Hương Tích, ga cáp treo… đều có cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ứng trực.

Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) Hoàng Mạnh Dũng cho biết, trên địa bàn có Tổ đình Phúc Khánh vào ngày rằm và mùng 1 hằng tháng tập trung rất đông người đến lễ bái, để phòng, chống cháy nổ, Ban Quản lý và chính quyền yêu cầu mỗi người dân chỉ thắp một nén hương khi hành lễ.

Thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội tiếp tục nắm chắc tình hình thực tế địa bàn để tham mưu giúp UBND các quận, huyện, thị xã đề ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống cháy nổ tại các địa điểm du lịch, khu tâm linh, các di tích lịch sử. Với phương châm “phòng hỏa hơn cứu hỏa”, lực lượng công an cũng tập trung hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy nổ.

Chu Dũng