Bảo đảm an toàn công trình chống lũ
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 04/04/2022
Nhiều sự cố chưa xử lý
Đê hữu Đáy và tả Đáy có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng, chống lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân các quận, huyện: Hà Đông, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... nhưng hiện 2 tuyến đê này đã xảy ra nhiều sự cố sạt lở, sụt lún. Để bảo đảm an toàn công trình, làm nhiệm vụ chống lũ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng khẩn cấp công trình khắc phục sự cố sạt lở, sụt lún từ những tháng cuối năm 2021.
Tuy nhiên, quan sát thực tế trong các ngày 29 và 30-3 vừa qua, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy nhiều sự cố chưa được khắc phục hoặc chưa hoàn thành việc khắc phục. Cụ thể, trên tuyến đê cấp III hữu Đáy có 3 đoạn sụt lún nghiêm trọng thuộc địa phận các xã: Yên Sơn, Đồng Quang (huyện Quốc Oai), Xuy Xá (huyện Mỹ Đức). Trên đê tả Đáy cũng tồn tại 3 đoạn sụt lún, sạt lở nguy hiểm thuộc các xã: Song Phượng (huyện Đan Phượng), Sơn Công và Đội Bình (huyện Ứng Hòa).
Theo các hạt quản lý đê: Đan Phượng, Thạch Thất - Quốc Oai, Ứng Hòa - Mỹ Đức, những sự cố đê điều nêu trên hiện đã ổn định và đang tiếp tục được theo dõi. Nhưng nếu có mưa lớn kéo dài, mực nước sông dâng cao thì những sự cố này sẽ phát triển, uy hiếp an toàn công trình chống lũ.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, từ cuối tháng 5, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông, có khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh. Tổng lượng mưa ở các khu vực được dự báo bằng hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt có xu hướng gia tăng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trong tháng 5 và 6, các sông trên địa bàn Hà Nội có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn với biên độ lên 1-2m. Tháng 7 và 8 xuất hiện 1-2 trận lũ với biên độ 1,5-2,5m… “Do biến đổi khí hậu nên cường độ mưa, bão, lũ lụt có xu hướng ngày càng cực đoan, bất thường”, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
Với những dự báo đáng lo ngại nêu trên, chính quyền địa phương và người dân nơi có các tuyến đê bị sạt lở, sụt lún mong muốn các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn công trình chống lũ…
Đẩy nhanh thi công khắc phục
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2021, trên các tuyến đê, kè bờ sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Bùi thuộc địa bàn thành phố phát sinh 40 vị trí sụt lún, sạt lở, hư hỏng. Để bảo đảm an toàn công trình, làm nhiệm vụ chống lũ năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở NN&PTNT và các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai… làm chủ đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sự cố đê điều; thời gian hoàn thành trước ngày 30-6 năm nay. Tính đến ngày 2-4, các chủ đầu tư đã khắc phục 26 vị trí với khối lượng đạt 80-95%, bảo đảm hoàn thành công trình đúng tiến độ thành phố giao.
Thực tế tại công trình khắc phục sự cố sạt lở bờ sông hữu Hồng, đoạn xã Thái Hòa (huyện Ba Vì), đến thời điểm này đã hoàn thành 75% khối lượng. “Công ty cam kết đến ngày 15-5 sẽ hoàn thành dự án, đưa công trình vào sử dụng”, ông Lê Hữu Dũng, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hùng Linh khẳng định.
Tương tự, tại công trình khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, kè bảo vệ đê hữu Hồng, đoạn phường Phú Thịnh (thị xã Sơn Tây) đã hoàn thành 70% khối lượng; dự kiến đến ngày 25-5 sẽ hoàn thành.
Đối với 14 vị trí sụt lún, sạt lở còn lại trên đê hữu Đáy, tả Đáy, đoạn thuộc địa bàn các huyện: Đan Phượng, Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Giám đốc Ban Duy tu các công trình NN& PTNT Đinh Công Sơn (đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư các dự án trên) khẳng định, từ nay đến ngày 10-4, đơn vị sẽ khởi công xây dựng và hoàn thành công trình đúng yêu cầu của UBND thành phố.
Để bảo đảm an toàn công trình chống lũ, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội), Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Duy Du cho biết, Chi cục đề nghị các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành công trình khắc phục sự cố đê điều đúng chất lượng, tiến độ thành phố giao. Các quận, huyện, thị xã phối hợp cùng cơ quan quản lý đê tổng kiểm tra, đánh giá hiện trạng, xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án hộ đê đối với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên cơ sở đó, các quận, huyện, thị xã chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến đê… “Ngoài những nhiệm vụ vừa nêu, các quận, huyện, thị xã diễn tập phương án hộ đê, tập huấn nghiệp vụ cho các lực lượng tham gia hộ đê...”, ông Nguyễn Duy Du đề nghị.
Thiên tai xảy ra thời gian gần đây, nhất là tại các tỉnh miền Trung những ngày vừa qua càng cho thấy, thời tiết không còn tuân theo quy luật. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn công trình chống lũ cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên, trong đó, trọng tâm lúc này là đẩy nhanh tiến độ khắc phục các sự cố đê điều.