Dự án hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3: Phấn đấu về đích đúng dịp Giải phóng Thủ đô
Giao thông - Ngày đăng : 06:32, 04/04/2022
Hầm chui thi công phức tạp nhất Thủ đô
Không khí thi công trên công trường hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 những ngày này rất khẩn trương. Hàng trăm công nhân, máy móc được tăng cường trên mọi mũi thi công. Ở phía đầu đường Lê Văn Lương, công nhân đang đẩy nhanh tiến độ hạng mục đào đất. Phía đầu đường Tố Hữu, công nhân chia thành từng tốp, tỉ mỉ xử lý lớp chống thấm khi đã hoàn thành hạng mục móng hầm.
Trong tâm trạng hồ hởi, Giám đốc điều hành Liên danh nhà thầu dự án (gồm Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Fecon - Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng) Hồ Đức Phúc cho biết, đến thời điểm này, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của dự án đã được tháo gỡ; tiến độ, chất lượng dự án đang được kiểm soát.
Đề cập tới việc mới đây, dự án phải báo cáo và được UBND thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện với mốc hoàn thành vào quý IV-2022 thay vì quý I-2022, ông Hồ Đức Phúc giải thích, dự án hầm chui chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thi công xây dựng, di chuyển toàn bộ công trình ngầm nổi là khó khăn nhất. Đặc biệt là việc di chuyển tuyến cáp ngầm cao thế 220kV và 110kV phải xin phép các đơn vị quản lý chuyên ngành cắt điện và đấu nối, đóng điện để tạo mặt bằng chuyển sang thi công giai đoạn 2. Tiếp đó, phải di chuyển hệ thống cống hộp hiện trạng để có mặt bằng thi công. Không chỉ vậy, dịch Covid-19 phức tạp cũng khiến dự án bị ảnh hưởng tiến độ…
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của thành phố và sự vào cuộc quyết liệt của chủ đầu tư, nỗ lực của các nhà thầu, khó khăn, vướng mắc đã từng bước được tháo gỡ để nhà thầu có mặt bằng triển khai.
Trưởng đoàn Tư vấn giám sát dự án Trần Đức Quỳnh chia sẻ, hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 là hầm thi công khó nhất trong số 3 hầm trên tuyến đường Vành đai 3 đã và đang triển khai (hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa và Lê Văn Lương - Vành đai 3). Điều kiện mặt bằng thi công chật hẹp, vừa thi công vừa phải tổ chức giao thông nên rất phức tạp. Nhiều phần việc như đào đất, đổ bê tông, vận chuyển đất thải ra khỏi công trường… chỉ có thể thực hiện từ 22h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Đường Tố Hữu - Lê Văn Lương chỉ rộng 40m trong khi các hầm khác có bề rộng từ 60 đến 80m nên cũng ảnh hưởng tới việc thi công...
Thi công 24/24 giờ
Hiện tại, dự án đang trong giai đoạn nước rút. Lãnh đạo chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội) thường xuyên có mặt trên công trường để chỉ đạo, đốc thúc, kịp thời cùng nhà thầu, đơn vị tư vấn xử lý những vướng mắc phát sinh.
Theo Giám đốc điều hành Liên danh nhà thầu Hồ Đức Phúc, trước tính chất cấp bách của công trình, ngay từ mùng 7 Tết Nguyên đán (tức ngày 7-2-2022), các nhà thầu đã huy động 100% nhân lực, làm việc 24/24 giờ. Hiện, nhà thầu đã hoàn thành khoảng hơn 60% khối lượng công việc và đang đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến ngày 30-4-2022 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 để thông xe kỹ thuật và chuyển sang giai đoạn 3 của dự án là thi công các đốt hầm kín và hầm hở phía đường Tố Hữu và Lê Văn Lương.
Theo kế hoạch của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, toàn bộ phần việc của giai đoạn 3, như đóng cọc, đào và thi công các đốt hầm kín, hầm hở… sẽ hoàn thành trước ngày 15-8; khâu hoàn thiện, thảm bê tông nhựa, sơn kẻ và tổ chức giao thông đồng bộ sẽ hoàn thành trước ngày 20-9 để đưa dự án “về đích” đúng dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 tới.
“Xác định đây là công trình giao thông trọng điểm, tính chất kỹ thuật phức tạp nên về mặt giám sát, chúng tôi luôn kiểm tra theo đúng quy chuẩn. Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi tuân thủ giám sát theo đúng thiết kế, chỉ tiêu kỹ thuật. Các vật liệu đầu vào đều được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt”, Trưởng đoàn Tư vấn giám sát Trần Đức Quỳnh khẳng định.
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3 tại nút giao Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến - Tố Hữu, có tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu hầm là 475m. Sau khi hầm chui Lê Văn Lương được xây dựng, nút giao sẽ có tổng cộng 10 làn xe theo hướng Lê Văn Lương - Tố Hữu và ngược lại, thay vì 8 làn xe như hiện nay, góp phần giải quyết xung đột giao thông tại đây, từng bước hoàn chỉnh giao thông Thủ đô theo quy hoạch được duyệt.