Để phát triển bền vững năng lượng sạch

Kinh tế - Ngày đăng : 08:07, 04/04/2022

(HNM) - Các yếu tố địa lý, khí hậu tại nhiều địa phương phía Nam, từ Ninh Thuận đến Cà Mau rất thuận lợi cho phát triển điện mặt trời, điện gió. Dù đã có những bước phát triển ban đầu rất đáng ghi nhận, song vẫn còn một số vướng mắc cần được chính quyền địa phương, các bộ, ngành sớm hướng dẫn, giải quyết để nguồn năng lượng sạch phát triển bền vững.

Tổ hợp năng lượng tái tạo Trung Nam (tỉnh Ninh Thuận) gồm trang trại điện gió và trang trại điện mặt trời có tổng sản lượng khai thác đạt 950 triệu kWh đến 1 tỷ kWh điện/năm.

Tiềm năng dồi dào

Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có số giờ nắng trong năm cao nhất nước (từ 2.000 giờ đến 2.500 giờ/năm) và cường độ bức xạ mặt trời lớn, thích hợp phát triển điện mặt trời (khoảng từ 4,9kWh/m2/ngày đến 5,7kWh/m2/ngày). Đồng thời, nước ta có đường bờ biển dài 3.260km, với tốc độ gió trung bình 7m/s. Ngân hàng Thế giới tính toán, Việt Nam có tới 39% khu vực có tốc độ gió lớn hơn 6m/s, tương đương công suất 512GW; có 8,6% diện tích đất, nước thích hợp xây dựng các trang trại điện gió lớn.

Những năm qua, với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng sạch của Chính phủ, nhiều nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đã xây dựng các nhà máy ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất điện năng lượng tái tạo tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đấu nối vào lưới điện truyền tải Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) quản lý là 4.664MW, chiếm 35% tổng công suất khu vực. Tỷ lệ đấu nối vào lưới điện phân phối của 9 công ty điện lực tỉnh thuộc Tổng công ty Ðiện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng công ty Ðiện lực miền Nam (EVNSPC) chiếm 18%.

Đơn cử, theo Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Võ Đình Vinh, tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt điện từ năng lượng tái tạo của tỉnh đã lên đến 3.475MW, thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Các nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời đổ về Ninh Thuận, góp phần đưa địa phương vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua. “Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030, đạt công suất điện mặt trời 8.648MW, điện gió 5.240MW”, ông Võ Đình Vinh nói. Còn tại Bạc Liêu, “thủ phủ điện gió” của Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 8 dự án điện gió hoạt động với tổng công suất phát điện lên đến hơn 469MW.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân thông tin, tính đến hết năm 2021, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cả nước là 20.670MW (tăng 3.420MW so với năm 2020) và chiếm tỷ trọng 27% trong tổng công suất các nguồn điện của cả nước.

Gỡ vướng để phát triển

Tuy nhiên, việc phát triển điện từ năng lượng tái tạo thời gian qua tại các địa phương phía Nam đã phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết. Đơn cử với điện mặt trời, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh được phê duyệt vào tháng 3-2016, đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện mặt trời đạt khoảng 12.000MW. Nhưng số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến hết tháng 4-2021, tổng công suất điện mặt trời đã đạt 17.000MW, chiếm tỷ lệ gần 25% công suất đặt (tổng công suất định mức của những thiết bị tiêu thụ điện) của hệ thống. Tại Ninh Thuận, nhiều nhà máy điện mặt trời không thể phát huy tối đa công suất vì thiếu hạ tầng truyền dẫn. Còn tại Cà Mau, hơn 300.000ha mặt nước đang chờ được các bộ, ngành cho phép lắp pin năng lượng mặt trời để phát điện.

Ngoài ra, tỷ trọng điện mặt trời trên lưới quá lớn, trong khi nguồn điện này không ổn định, khiến việc điều tiết tổng thể của ngành Điện gặp nhiều khó khăn. Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng nhận định: “Ban ngày, cả nước có 17.000MW điện mặt trời trên lưới, nhưng sau 17h hoặc lúc trời mưa bão, tắt nắng, nguồn điện này không còn. Lúc đó, nguồn nào sẽ bù đắp lượng điện thiếu hụt đó?”. Ban ngày, có nhà máy điện khí ở Nam Bộ chỉ hoạt động 30-35% công suất, ảnh hưởng đến cam kết bao tiêu khí đốt và hiệu quả đầu tư. Nhưng đến tối, nếu các nhà máy này có tăng 100% công suất thì cũng chưa đủ bù lượng điện mặt trời thiếu hụt.

Trong khi đó, điện gió ngoài khơi có tiềm năng phát triển tốt, nguồn điện ổn định hơn điện mặt trời, lại đang gặp những khó khăn về truyền dẫn điện vào bờ. Ông Stuart Livesey, Tổng Giám đốc dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn - Bình Thuận đề xuất, Việt Nam sớm có cơ chế cho phép nhà đầu tư tư nhân được xây dựng lưới truyền tải điện, thay vì phải chờ đợi lưới điện được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công như hiện nay.

Theo Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến đóng góp, Bộ đề xuất quy hoạch tổng công suất nguồn đặt đến năm 2030 khoảng 146.000MW, đến năm 2045 khoảng trên 352.000MW. Trong số này, điện mặt trời đóng góp 25% tổng công suất.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII (diễn ra ngày 21-2-2022). Theo đó, một loạt vấn đề cần điều chỉnh như giảm quy mô điện mặt trời, tăng điện gió ngoài khơi cho phù hợp, bảo đảm phát triển bền vững hơn. Đây là cơ hội lớn để các tỉnh phía Nam phát huy tiềm năng điện từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của mình.

Nhóm phóng viên