Thời điểm lý tưởng để trẻ tiểu học, mầm non trở lại trường
Giáo dục - Ngày đăng : 16:52, 06/04/2022
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các chuyên gia y tế đều chung quan điểm, hiện Hà Nội trải qua đỉnh dịch Covid-19, số ca mắc đang giảm dần mỗi ngày. Chính vì vậy, đây là thời điểm lý tưởng cho học sinh tiểu học, thậm chí cả mầm non quay lại trường.
Cho trẻ đi học trở lại là cần thiết
Học sinh tiểu học là nhóm tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19 nên cũng có không ít ý kiến lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc trẻ không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài. Thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm...
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, hiện nước ta đã chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro… Chính vì nới lỏng các hoạt động nên thời gian vừa qua, trẻ em dù ở nhà cũng bị mắc Covid-19 rất nhiều. Tuy nhiên, phần lớn trẻ mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ.
“Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học. Không nên chờ đợi việc tiêm vắc xin cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Từ góc độ bác sĩ nhi khoa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang Nguyễn Văn Thường cho rằng, không thể bắt trẻ ở nhà mãi được. Bởi vì như vậy sẽ tạo một thế hệ trẻ không giao tiếp với xã hội và chỉ ở trong bốn bức tường. Trẻ cần đến trường càng sớm càng tốt. Đây vừa là quyền lợi của trẻ, vừa là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.
Với số ca mắc Covid-19 đang giảm dần mỗi ngày, Hà Nội đã trải qua đỉnh dịch. Nếu như đầu tháng 3-2022, số ca mắc gia tăng mạnh, thậm chí có ngày ghi nhận kỷ lục hơn 32.600 ca (ngày 8-3) thì nay đã hạ nhiệt chỉ còn khoảng 5.000 - 6.000 ca/ngày. Như vậy, đây là thời điểm lý tưởng cho trẻ tiểu học, thậm chí cả mầm non quay lại trường.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau. Bởi không bố mẹ nào có thể khẳng định các con tuyệt đối không tiếp xúc với ai hay bản thân bố mẹ và người thân xung quanh mà không có nguy cơ lây nhiễm. Trẻ càng nhỏ thì triệu chứng khi mắc bệnh càng nhẹ. Do đó, thời điểm này, chúng ta hoàn toàn tự tin cho trẻ đến trường để bảo đảm an toàn cho trẻ về mặt tâm lý và thể chất.
Hiểu dịch bệnh để tự tin ứng phó
Sau thời gian dài học trực tuyến để phòng dịch, khi đi học lại, trẻ sẽ tiếp xúc với nhiều người cũng như các vật dụng ở nơi công cộng. Để bảo đảm an toàn cho bản thân, bạn bè và thầy cô, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, cha mẹ cần hướng dẫn con thực hiện tốt các quy tắc phòng dịch. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu về dịch bệnh để tự tin ứng phó.
“Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ những kỹ năng, cách thức để bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh như việc đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng… Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chủ động khai báo nếu con có các biểu hiện ho, sốt, khó thở và cho con nghỉ học nếu bị ốm hoặc có biểu hiện bệnh liên quan đến đường hô hấp”, ông Khổng Minh Tuấn nói.
Liên quan đến vấn đề thực hiện biện pháp “5K” trong trường học, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nhà trường cũng nên áp dụng các quy định “5K” một cách linh hoạt, mềm dẻo. Tùy vào lứa tuổi và điều kiện để có thể áp dụng “5K” phù hợp để từ đó tạo sự thoải mái cho trẻ khi tới trường. Đơn cử như không nên cấm trẻ ra sân trường chơi, mà nhà trường có thể bố trí các khu vực riêng, hoặc chia theo khung giờ để các lớp không cùng đổ ra một lúc…
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, nới lỏng không có nghĩa là buông lỏng. Nhà trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh, tăng cường kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để bảo đảm an toàn cho trẻ.
“Khi trẻ nhiễm bệnh thì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đối với trẻ đó và lớp học có trẻ bị F0. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.