Thủ tướng Hungary Viktor Orban tái đắc cử: Nhiệm kỳ mới nhiều thách thức

Thế giới - Ngày đăng : 07:03, 06/04/2022

(HNM) - Đúng với dự đoán ban đầu, liên minh cầm quyền Fidesz - Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) do Thủ tướng Hungary Viktor Orban dẫn đầu đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử quốc hội tổ chức ngày 3-4 vừa qua. Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức về kinh tế, đặc biệt là xung đột với các thể chế của Liên minh châu Âu (EU), 5 năm nhiệm kỳ mới sẽ là chặng đường “không trải hoa hồng” đối với Thủ tướng V.Orban.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố liên minh Fidesz - KDNP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 3-4 vừa qua.

Theo kết quả thông báo ngày 5-4, với 98,96% số phiếu được kiểm, liên minh Fidesz - KDNP được 53,59% số phiếu ủng hộ. Với số phiếu ủng hộ này, Fidesz - KDNP không cần phải liên kết với thêm bất kỳ đảng phái nào để thành lập chính phủ. Đứng thứ hai là liên minh Đảng Độc lập - Đoàn kết cho Hungary (34,66%); tiếp theo, Đảng Mi Hazank ở vị trí thứ ba với 6,11% số phiếu bầu. Như vậy, liên minh Fidesz - KDNP giành 135 ghế trong tổng số 199 ghế tại Quốc hội Hungary.

Theo các nhà phân tích, Thủ tướng V.Orban đã thuyết phục cử tri bằng cam kết về bảo đảm hòa bình và ổn định trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine đang có những tác động tiêu cực tới tình hình kinh tế trong khu vực và thế giới. Cùng với đó, nhà lãnh đạo 59 tuổi cũng triển khai hỗ trợ các hộ gia đình sau đại dịch bằng một gói tài chính trị giá 1,99 tỷ USD và hứa nâng mức lương tối thiểu trong nhiệm kỳ tới. Trước đó, những chính sách của Thủ tướng V.Orban được đánh giá là đã “ghi điểm” trong mắt cử tri, gồm: Quyết định miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người dưới 25 tuổi; các gia đình có trẻ em được hoàn thuế; Cảnh sát Hungary được tăng lương 10%.

Ngân hàng Quốc gia Hungary dự báo, lạm phát tại nước này trong giai đoạn 2022-2023 có thể lên tới 7,5-9,8%. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đứng trước nguy cơ thấp hơn so với dự kiến, ước tính chỉ khoảng 2,5-4,5%, do nhiều kênh thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Nhu cầu nội địa mạnh mẽ có thể giúp giải quyết phần nào hàng hóa bị tồn đọng; song, kim ngạch xuất khẩu trong năm nay chắc chắn sẽ giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái. Thêm một thách thức mà Hungary sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, đó là việc tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn từ Ukraine.

Thủ tướng V.Orban nhận định, Budapest nhiều khả năng sẽ phải trải qua tình trạng tương tự đã xảy ra với nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng người di cư cách đây ít năm.

Để bảo đảm phục hồi nhanh chóng, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, việc cải thiện môi trường kinh doanh và các kỹ năng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của nền kinh tế Hungary. Cải cách để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cũng cần được ưu tiên. Muốn làm được điều này, cơ quan chức năng nên được trao thêm quyền hạn để giảm bớt các rào cản và khuyến khích cạnh tranh.

Không chỉ phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, Thủ tướng V.Orban còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong quan hệ với EU. Từ khi lên nắm quyền vào năm 2010, Thủ tướng V.Orban đã nhiều lần xung đột với các thể chế của EU, đồng thời tự cho mình là người đấu tranh cho lợi ích quốc gia của Hungary. Cuối năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan cao nhất hành pháp của EU, đã gửi thư tới lãnh đạo Hungary yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến mua sắm công, xung đột lợi ích và tham nhũng trong chi tiêu liên quan tới quỹ của EU.

Hiện tại, EU đang xem xét khả năng triển khai một cơ chế mới để đóng băng các nguồn tài trợ quan trọng khi Hungary vi phạm thể chế chung và tham nhũng, làm suy yếu lợi ích tài chính của khối.

Nhìn chung, kết quả bầu cử đã khẳng định sự ủng hộ của cử tri đối với liên minh cầm quyền của Thủ tướng V.Orban, thể hiện mong muốn ông sẽ tiếp tục điều hành đất nước theo cách đã và đang thực hiện.

Quỳnh Dương