Khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực mới để Thủ đô phát triển bền vững

Đời sống - Ngày đăng : 17:19, 07/04/2022

(HNMO) - Tại Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII ngày 7-4, các đại biểu đã tập trung thảo luận Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội. Đây là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc; qua đó khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực mới để Thủ đô phát triển bền vững...

Quang cảnh hội nghị.

Không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân Thủ đô

Thực hiện chủ trương của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XVII), Tờ trình về Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội của UBND thành phố hướng tới mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình công tác của Thành ủy trong các lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa.

Qua đó, kế hoạch sẽ khơi dậy mọi tiềm năng, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển của Thủ đô với mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa, đồng đều, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; không ngừng nâng cao đời sống cho người dân trong điều kiện, khả năng của thành phố; phát triển kinh tế - xã hội cùng với phát triển văn hóa, phát huy giá trị con người, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa lịch sử.

Kế hoạch cũng đánh giá cụ thể thực trạng của lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, Hà Nội hiện có 2.237 trường công lập, trong đó có 1.766 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 79%). Song, tốc độ tăng dân số cơ học rất lớn đang gây sức ép với các trường học do không bảo đảm quy mô để đạt chuẩn quốc gia.

Trong khi đó, thành phố hiện có 82 bệnh viện, 100% trạm y tế trên địa bàn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tuy nhiên, theo quy định mới của Bộ Y tế, còn nhiều trạm y tế đã xuống cấp, cần được mở rộng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm số lượng, chất lượng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với lĩnh vực di tích, thành phố hiện có 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích cấp quốc gia, 1.452 di tích cấp thành phố và 3.221 di tích chưa được xếp hạng. Tuy nhiên đến nay, nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ, cần được đầu tư…

Để thực hiện kế hoạch, thành phố sẽ đầu tư, xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn toàn thành phố trong giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố cũng đặt ra yêu cầu là đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định của Nhà nước về đầu tư, quản lý công sản, phù hợp với quy hoạch, thiết thực với người dân và xã hội.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân sẽ giám sát kế hoạch

Đóng góp ý kiến vào Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên phản ánh, với tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay, số lượng trường học đạt chuẩn để phục vụ nhu cầu đang thiếu trầm trọng. Huyện đề nghị thành phố phân cấp đầu tư, cải tạo các trường trung học phổ thông, trạm y tế cơ sở cho các quận, huyện, thị xã nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và y tế để phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Với 245 di tích của huyện được xếp hạng, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho rằng, việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo các di tích là khối lượng công việc rất lớn. Nếu không quản lý, theo dõi bằng phần mềm, thời gian tới sẽ vô cùng khó khăn.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử nhằm phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Đồng chí Lê Anh Quân mong muốn, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo, giúp địa phương phát huy các giá trị truyền thống; giá trị văn hóa phi vật thể, để từ đó khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, du lịch.

Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng mong muốn thành phố quan tâm, chỉ đạo để các quận, huyện, thị xã có thể mời gọi thêm các nguồn vốn ngoài ngân sách trong triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp trên cả 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử.

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với chủ trương phân cấp mạnh cho các quận, huyện, thị xã triển khai các dự án trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định cho rằng, nếu kế hoạch của thành phố được áp dụng trên thực tiễn sẽ giúp cả 3 lĩnh vực phát triển mạnh mẽ; kịp thời tu bổ, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa hiện đang xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn.

Về Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, đối với lĩnh vực tu bổ, tôn tạo di tích, các đơn vị cần rà soát hết sức kỹ lưỡng, thận trọng, nhằm bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử. Trong đó, tập trung đẩy mạnh đầu tư, số hóa trong lĩnh vực di tích nhằm tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các công trình di tích lịch sử; góp phần giáo dục truyền thống, văn hóa trong giới trẻ và quảng bá, giới thiệu văn hóa Thủ đô Hà Nội ra khu vực, thế giới.

Đối với lĩnh vực giáo dục, các đơn vị tiếp tục rà soát, xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực này nhằm phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập...

Đối với lĩnh vực y tế, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo, tiếp tục bám sát diễn biến dịch Covid-19, rà soát kỹ sự cần thiết phải đầu tư nâng cấp hệ thống y tế cơ sở để chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng chí cũng yêu cầu, đầu tư gắn với yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế để phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa nhằm giảm tải các cơ sở y tế.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, tăng cường phân cấp, ủy quyền cho quận, huyện, thị xã thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư; việc quản lý trước, trong và sau đầu tư tại 3 lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục; đồng thời đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân kiểm tra, giám sát thực hiện dự án và kế hoạch quan trọng này.

Hương Ly