Đòi hỏi giải pháp đột phá
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 08/04/2022
Thời điểm hiện tại, sản phẩm chăn nuôi của Hà Nội đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, nhưng vẫn còn khoảng 40% lượng sản phẩm gia súc, gia cầm tiêu thụ trên thị trường được giết mổ tại các lò mổ thủ công nhỏ lẻ không được kiểm soát chặt về thú y, dịch bệnh, cũng như nguồn gốc sản phẩm. Điều này gây nên rất nhiều ẩn họa trong đời sống xã hội và từ nhiều năm nay đã trở thành vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm.
Khắc phục vấn đề này, thành phố đã có nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến việc ban hành Quyết định số 761/ QĐ-UBND ngày 17-2-2020 về việc phê duyệt mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây được xem là cơ sở để tạo thành một mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng nhu cầu phát triển của nền chăn nuôi hiện đại. Thế nhưng, sau hơn 2 năm triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là việc xây dựng mới các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp không mặn mà với lĩnh vực này vì nguồn vốn đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, chưa kể những khó khăn về thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng... dẫn đến chậm tiến độ, tăng chi phí... Mặt khác, việc chuyển từ giết mổ nhỏ lẻ sang giết mổ tập trung vẫn là bài toán khó, khi chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, chưa có giải pháp triệt để giải quyết vấn nạn giết mổ “chui”, giết mổ trong khu dân cư...
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, trước mắt, để bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường, loại bỏ nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn vật nuôi, các địa phương của Hà Nội cần chủ động kiểm tra, rà soát, quyết liệt triển khai các giải pháp chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, không đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm; đồng thời tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý các sản phẩm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Để thúc đẩy triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 761/QĐ-UBND, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần tham mưu với cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, việc thuê đất... nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt là việc xây mới các cơ sở giết mổ công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung. Qua đó, hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm vừa hiện đại, vừa phù hợp với điều kiện phát triển ngành chăn nuôi của mỗi địa phương.
Mặt khác, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm cần chủ động hợp tác liên doanh, hình thành các chuỗi liên kết; huy động các nguồn lực đầu tư dây chuyền sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực giết mổ gia súc, gia cầm, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu về thực phẩm an toàn của người tiêu dùng...
Những giải pháp mang tính đột phá không chỉ tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong việc hình thành mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung mà còn thúc đẩy phát triển một nền chăn nuôi theo hướng hiện đại.