Để Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 08/04/2022

(HNM) - Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng được lựa chọn xây dựng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Hiện Đà Nẵng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt dự thảo Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Để đạt được mục tiêu này, cần làm rõ những lợi thế đặc thù và sự khác biệt của trung tâm tài chính tại thành phố Đà Nẵng với trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh và đề ra chính sách phát triển phù hợp.

Trung tâm tài chính Đà Nẵng sẽ có vị trí ngay sát biển với nhiều dịch vụ tiện ích, nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Trung tâm tài chính của miền Trung - Tây Nguyên

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026), việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là vấn đề mang tầm quốc gia, chọn thời cơ để phát triển hướng tới thị trường tài chính quốc tế. Trước mắt, Quốc hội, Chính phủ đã chọn 2 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng để tổ chức như một cặp song sinh trung tâm tài chính. Vì vậy cần làm rõ các điểm khác biệt của 2 địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển, tránh chồng chéo.

Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Phụng cho biết: Mô hình trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có sự khác biệt cơ bản về tầm nhìn, mục tiêu, tính chất, cấu phần chức năng và cả phạm vi hoạt động khi so sánh với trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, về tầm nhìn, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới của Chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu vào năm 2030 và trong nhóm 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045. Còn thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế và gia nhập mạng lưới các trung tâm tài chính khu vực vào năm 2045.

Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Phụng, trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ có bước phát triển nhanh để vươn đến một trung tâm tài chính toàn cầu. Còn thành phố Đà Nẵng hướng đến thúc đẩy phát triển tài chính cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên, hỗ trợ hoạt động tài chính, đầu tư cho khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và một số quốc gia khác trong khu vực. Trong quá trình phát triển, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng sẽ hỗ trợ, bổ sung, tăng cường sức cạnh tranh cho trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trở thành một điểm đến đặc biệt

Cũng theo Giám đốc Sở Tài chính thành phố Đà Nẵng, mô hình trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng sẽ tập trung trước hết phát triển dịch vụ offshore (hoạt động tài chính ra nước ngoài) để thu hút một phần giao dịch tài chính trong khu vực (OFC). Tham gia trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng giai đoạn này sẽ chủ yếu là các định chế tài chính nước ngoài và đối tượng phục vụ chủ yếu là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Trong khi đó, mô hình trung tâm tài chính quốc tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ lấy các định chế tài chính, hệ thống ngân hàng trong nước làm chủ thể phát triển để hình thành các cụm ngành tài chính, các tập đoàn tài chính quốc gia và quốc tế, phát triển các sở giao dịch hàng hóa để phát triển thị trường hàng hóa phái sinh, thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp…, qua đó thúc đẩy phát triển các trụ cột tài chính quốc gia.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng Huỳnh Huy Hòa thông tin, các ngành nghề hoạt động trong trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng gồm 2 nhóm chính: Thứ nhất là các ngành nghề trực tiếp liên quan đến tài chính - ngân hàng, các dịch vụ tài chính truyền thống và lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech). Thứ hai là nhóm các ngành nghề phụ trợ như kiểm toán, luật, xếp hạng tín dụng, khu nghỉ dưỡng, casino, khu tổ chức hội nghị quốc tế...

Như vậy, các nhóm ngành nghề tại trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng vẫn có sự đa dạng, khác biệt với thành phố Hồ Chí Minh. Điểm khác biệt lớn nhất là trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng không chỉ gồm các hoạt động tài chính mà còn liên kết với các hoạt động và dịch vụ tiện ích đẳng cấp. Mục tiêu trở thành một điểm đến đặc biệt, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư quốc tế, tương tự các trung tâm tài chính tại Singapore, Dubai, phát huy thế mạnh của Đà Nẵng, tạo điểm nhấn và lan tỏa sự phát triển đến vùng du lịch miền Trung.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thông tin, theo dự thảo Đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, thành phố hiện có quỹ đất sạch (khoảng 6,17ha) đã được quy hoạch để thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính với các điều kiện về vị trí kết nối, hạ tầng thuận lợi. Khu vực nằm ngay sát biển sẽ được thiết kế chức năng hỗn hợp để hình thành một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng cho trung tâm tài chính. Đồng thời, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích đẳng cấp phục vụ nhu cầu giao lưu, nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư khi đến trung tâm tài chính tại Đà Nẵng.

Trung Nhân