Phát huy vai trò động lực
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 09/04/2022
Xét trên bình diện chung, có thể thấy, kể từ khi ban hành, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã tạo động lực lớn cho nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Cùng với cả nước, thành phố Hà Nội đã xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trên tinh thần xuyên suốt là thích ứng an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, linh hoạt để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đối với ngành Công nghiệp, thành phố tiếp tục tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục nguồn lực về tài chính, lao động... Những động thái đó đã giúp các nhà máy, xí nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất, kinh doanh để giữ đơn hàng, bảo đảm chuỗi cung ứng, góp phần quan trọng cho xuất khẩu tăng trưởng và phục hồi thị trường lao động.
Phát huy những kết quả đã đạt được, từ nay đến cuối năm, bên cạnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, thành phố Hà Nội tập trung triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Theo đó, cùng với thực hiện hiệu quả các chính sách về bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ việc làm; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ lãi suất vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ… theo quy định tại các nghị quyết nêu trên, các cấp, ngành chức năng và địa phương của Thủ đô cần rà soát, đánh giá tình hình để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Song song, cần bám sát chủ đề công tác năm 2022 của thành phố là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, không ngừng cải cách hành chính để tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, để gia tăng giá trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và tỷ lệ nội địa hóa; giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình, hoạt động kinh doanh mới, đẩy mạnh thương mại điện tử… để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp công nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, cùng với tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố Hà Nội, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp cần phát huy nội lực, đặt quyết tâm cao để không lỡ nhịp tăng trưởng của đơn vị nói riêng, nền kinh tế nói chung. Nhiệm vụ các doanh nghiệp cần chú trọng là xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới, tái cấu trúc và ứng dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh; đổi mới công tác quản trị; thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.
Tiếp tục đà khởi sắc, sản xuất công nghiệp sẽ phát huy tốt vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của Thủ đô trong thời gian tới.