An ninh lương thực toàn cầu đối mặt nhiều nguy cơ

Thế giới - Ngày đăng : 06:56, 09/04/2022

(HNM) - Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được phục hồi hoàn toàn sau đại dịch và cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ảnh hưởng lớn tới nguồn cung phân bón, ngũ cốc, giá lương thực đã “leo thang” lên mức cao nhất sau 61 năm. Điều này tiếp tục làm gia tăng những nguy cơ đối với an ninh lương thực toàn cầu.

Số lượng người dân cần hỗ trợ khẩn cấp do thiếu lương thực tại châu Phi ngày càng gia tăng.

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, trong vòng 1 năm qua, chỉ số giá lương thực đã tăng hơn 24,1%. Chỉ số này được xem xét dựa trên mức giá toàn cầu đối với 23 loại thực phẩm chính (gồm 73 mặt hàng sản phẩm khác nhau). Số liệu thống kê cho thấy, giá ngũ cốc tháng 4-2022 đã tăng 3% so với tháng trước; dầu thực vật tăng 8,5%, sữa tăng 6,4% và thịt tăng 1,1%. FAO cũng cho biết, khu vực các nước đang phát triển hiện phải đối mặt với tình trạng giá tăng vọt đối với các loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, mỡ động vật, dầu thực vật và hạt có dầu; trong khi ở các khu vực phát triển, giá tăng chủ yếu ở các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trái cây, rau quả, thịt cá và đồ uống.

Theo Tổ chức Xã hội vì người dân (CSIPM) có trụ sở tại Italia, trong khi hầu hết các nước đang tập trung chú ý vào sự tăng vọt của giá dầu thô, sự gia tăng đột biến giá lương thực toàn cầu cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đẩy thế giới đến trước những rủi ro lớn hơn. Dự báo của FAO cho thấy, chỉ riêng trong năm 2022, hơn 18 triệu người có khả năng bị ảnh hưởng và cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp bởi các đợt khô hạn cục bộ, mất mùa cùng các nguyên nhân khác như xung đột, khủng hoảng kinh tế. Bất ổn kéo dài ở Ukraine càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xảy ra nạn đói ở nhiều nơi trên thế giới.

Nga và Ukraine hiện là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt. Nga còn là nước xuất khẩu phân bón lớn, chiếm khoảng 17% nguồn cung toàn cầu. Việc thiếu phân bón cũng là một trong những vấn đề cấp bách, có thể ảnh hưởng cả ngắn hạn và dài hạn tới nguồn cung lương thực.

Ước tính của FAO cho thấy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng đối với sản xuất ngũ cốc và hạt có dầu của Ukraine và Nga sẽ gây ra những hậu quả đáng kể đối với khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào hai nước này về nguồn cung lúa mỳ. Phần nhiều trong số đó là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực ở Bắc Phi, châu Á... Nhiều quốc gia châu Âu và Trung Á phụ thuộc vào Nga hơn 50% nhu cầu phân bón sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung tới năm sau.

Nếu xung đột khiến Nga và Ukraine phải kéo dài việc cắt giảm xuất khẩu lương thực, số người thiếu dinh dưỡng trên toàn cầu có thể tăng khoảng 8-13 triệu người. Thậm chí, tại một số khu vực ở Đông Phi, nơi hứng chịu hạn hán trong suốt 3 năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Điều này chỉ có thể được giải quyết thông qua một cơ chế quản trị lương thực toàn cầu mạnh mẽ và toàn diện. Chính vì thế, CSIPM đã yêu cầu triệu tập một phiên họp toàn thể bất thường ở cấp Liên hợp quốc nhằm thảo luận những giải pháp để xây dựng chuỗi cung ứng lương thực bền vững.

Lịch sử nhân loại cho thấy, bất ổn về lương thực từng là nguyên nhân chính gây ra những biến động xã hội và chính trị ở các nước nghèo. Vì thế, tình trạng này nếu không sớm được kiểm soát có thể thúc đẩy xung đột, bạo lực và khủng bố, dẫn tới những hệ lụy khó lường cho an ninh của nhiều quốc gia và của thế giới.

Quỳnh Dương