Họa sĩ Triệu Khắc Tiến: Sáng tạo sơn mài cũng như một cách tự giác ngộ bản thân
Văn hóa - Ngày đăng : 16:32, 09/04/2022
- Chúc mừng anh vừa có triển lãm cá nhân “Câu chuyện Phương Đông”. Những tác phẩm này là sự đúc kết sau thời gian anh học tập tại Nhật Bản?
- Cảm ơn bạn! Với tôi, ngôn ngữ sơn mài bao la, đây mới là bước khởi đầu thôi. Những tác phẩm trong triển lãm này là hướng đi nhỏ theo cách khai phá riêng của tôi. Tôi nhận thấy nghệ thuật sơn mài nói chung còn rất nhiều cánh cửa để phát triển. Chúng ta có thể vận dụng những phương pháp mới và tiên tiến trên thế giới, mang tính khoa học để nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Câu chuyện Phương Đông” cũng là câu chuyện của tôi khi được trải nghiệm từ nền văn hóa này sang nền văn hóa khác, cụ thể là từ Việt Nam sang Nhật Bản. Từ sự khác biệt về văn hóa đến khác biệt về thẩm mỹ, nghệ thuật. Trong nền văn hóa phương Đông nói chung, chúng ta có rất nhiều màu sắc độc đáo. Nếu chúng ta có thể kết hợp được thế mạnh ngôn ngữ sơn mài của các quốc gia có nền sơn mài phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc thì sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật của các quốc gia, nâng cao kiến thức về nghệ thuật truyền thống của cha ông, thêm yêu văn hóa truyền thống.
- Quãng thời gian học tập ở Nhật Bản, anh nhận thấy có những điểm giống và khác nhau nào trong nghệ thuật sơn mài Nhật Bản và Việt Nam?
- Nghệ thuật sơn mài Nhật Bản và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng. Về nguyên liệu, nếu như chúng ta có sơn cánh gián, sơn then thì ở Nhật Bản cũng như thế. Tuy vậy, một tuýp sơn đen của Nhật thường có giá rất đắt. Lý do là một cây sơn người ta chỉ lấy được 2 lạng sơn. Còn cách lấy sơn ở nước ta gần giống như cách lấy mủ cao su. Mỗi cây sơn chúng ta thường thu hoạch được từ 3 - 5 năm. Nhưng tại Nhật, mỗi cây sơn trồng từ 5 - 8 năm trở lên mới thu hoạch, và chỉ trong 1 năm thôi, như vậy, chất lượng của nó sẽ tốt hơn, tinh hơn.
Về sáng tác thì quy trình không khác nhiều so với sơn mài Việt Nam: Họ đều vẽ và ủ khô. Do đặc tính sơn Việt Nam mềm hơn, trong hơn, còn sơn Nhật khi ra rất cứng nên họ dùng than, đá mài tinh thể để mài thì mới đạt được bề mặt gần như đồng nhất. Còn sơn mài Việt Nam, các họa sĩ thường vẽ nhiều lớp, phủ và dùng giấy ráp mài. Một bức tranh đẹp ở Nhật Bản phải đảm bảo các tiêu chí: Phẳng, nhẵn, bóng. Đó cũng là tiêu chí của sơn mài truyền thống Việt Nam. Nhưng kỹ thuật chỉ là phương tiện để truyền tải, điều quan trọng vẫn là tư duy tạo hình của người nghệ sĩ. Anh phải mang đến cái mới cho người xem.
- Trải nghiệm với sơn mài chắc hẳn đã mang đến cho anh những cung bậc cảm xúc khác nhau?
- Sơn mài trong hội họa rất phóng khoáng, thể hiện rõ tính ngẫu hứng trong tạo hình. Điều đó tạo cho tôi sự cân bằng, mang tâm hồn Việt hơn. Sơn mài cần sự tỉ mỉ, chi tiết. Cảm hứng sáng tác đến từ chính sự lâu dài, kỳ công ấy. Đặc tính độc đáo của sơn mài là muốn khô thì ủ ẩm, khi mài từng lớp thì phải theo nguyên tắc: Chậm trước, nhanh sau, chi tiết trước, mảng lớn sau. Khi mài, các chi tiết mới bắt đầu hiện ra. Đó cũng là quá trình tư duy ngược, vẽ ngược, tạo cho người họa sĩ sự ngẫu hứng, rung động, ứng tác trên bề mặt.
Điều thứ hai, đặc trưng của sơn mài tạo cho chúng ta nhiều hướng để khai phá. Quá trình làm tranh sơn mài cũng chính là sự sàng lọc, quy chuẩn. Người làm sơn mài phải kỹ tính trong tất cả các công đoạn. Anh muốn có một bức tranh đẹp thì phải tìm sơn, tìm màu, tìm vàng, tìm bạc... để có một sản phẩm mà từ khâu nguyên liệu đến khi hoàn thiện đạt chất lượng. Với người nghệ sĩ, làm sơn mài cũng giống như một quá trình trở về tự nhiên. Mài tranh, phủ màu tranh là tiếp xúc với chất liệu một cách trực tiếp bằng tay. Quá trình vẽ sơn mài cũng như một cách tu tập, tự giác ngộ bản thân mình.
- Nhiều người nhận xét, sau khi tu nghiệp ở Nhật Bản, anh đã có những vận dụng trong cách xử lý sơn ta, đóng góp một tiếng nói mới từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến hoàn thiện tác phẩm, vừa đạt chất lượng cao về kỹ thuật, đồng thời mang đến ngôn ngữ tạo hình mới cho sơn mài. Anh sẽ truyền lại điều này cho sinh viên của mình?
- Từ năm 2017, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng chương trình chuyên ngành dành cho sơn mài. Trước đó, trong hội họa có 3 chuyên ngành chính: Sơn mài, lụa và sơn dầu. Thế hệ chúng tôi khi học hội họa thì được học cả 3 chuyên ngành này. Như thế, thời gian đào tạo không thể chuyên sâu, bởi thời gian dành cho mỗi bộ môn bị chia nhỏ. Từ năm 2017, sinh viên được học chuyên sâu về một chuyên ngành hội họa. Đây cũng là cơ hội để các em có thêm thời gian thực hành nghệ thuật sơn mài.
Tôi mong sinh viên của mình luôn có thái độ học tập chăm chỉ và tinh thần cầu tiến, có trách nhiệm. Bởi khi làm sơn mài chính là chúng ta đã bước vào một con đường rất chông gai. Nếu có thái độ cầu thị, trân trọng chất liệu, trân trọng chính bản thân mình, kết hợp với kiến thức được thầy cô truyền thụ cùng với năng lực tư duy sáng tạo của mỗi người, tôi tin rằng các em sẽ thành công.
- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Triệu Khắc Tiến!