Ngân hàng ''siết'' cho vay bất động sản
Tài chính - Ngày đăng : 11:23, 10/04/2022
Trên thực tế, không chỉ với những dự án lân cận Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành phố, giá bất động sản cũng tăng “chóng mặt”. Từ cuối tháng 3, hàng loạt ngân hàng tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với cho vay bất động sản để hạn chế rủi ro ở lĩnh vực này.
Theo quy định, tỷ lệ cho vay bất động sản của ngân hàng thương mại không vượt quá 8% tổng tín dụng chung của ngân hàng. Nếu vượt hoặc tăng trưởng nóng có thể bị “tuýt còi”. Không chỉ thời gian gần đây cơ quan chức năng mới thắt chặt cho vay bất động sản, mà kể từ sau cuộc khủng hoảng nợ xấu trước, cho vay với bất động sản luôn được cảnh báo. Do đó, tăng trưởng tín dụng với bất động sản “hạ nhiệt” từ hơn 26% năm 2018 còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức này trong năm 2021. Tín dụng bất động sản chiếm 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Chẳng hạn đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), dư nợ cho vay đối với kinh doanh bất động sản hiện chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng dư nợ 1,5 triệu tỷ đồng. Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, bên cạnh việc tập trung ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank vẫn cho vay đáp ứng nhu cầu thật về nhà ở như mua nhà, xây, sửa nhà của người dân.
Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và thứ cấp mua bất động sản. Theo đó, ngân hàng này sẽ tạm dừng giải ngân khoản vay mua bất động sản (gồm chưa/đã có giấy chứng nhận) kể từ cuối tháng 3.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có thông tin không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản từ nay đến hết tháng 6-2022. Hiện, Sacombank tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng cao như xuất khẩu, dịch vụ, logistics… Theo lãnh đạo Sacombank, hạn mức tín dụng mà ngân hàng được cấp trong năm 2022 không nhiều, nên ngân hàng sẽ không ưu tiên cho tín dụng bất động sản.
Nhiều ngân hàng khác cũng có thông báo tới toàn hệ thống về việc hạn chế cho vay bất động sản, hướng dòng vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, có tình trạng vốn cho vay của ngân hàng dùng cho các công ty "sân sau " của bất động sản. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi mức độ cho vay các công ty sân sau bất động sản đang ở mức cao.
Các chuyên gia khác cũng có chung nhận định, nếu không xử lý triệt để và có những quy định chặt chẽ hơn đối với cho vay bất động sản sẽ gây rủi ro lớn cho ngân hàng, cũng như toàn bộ nền kinh tế. Bởi thực tế có tình trạng ngân hàng là sân sau của doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, yêu cầu triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề nhằm bảo đảm an toàn hoạt động; trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao thực hiện trong năm 2022, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng. Cụ thể, tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý.