Tạo bước đột phá nâng cao chất lượng đảng viên
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 06:18, 10/04/2022
Đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn
- Được triển khai từ tháng 8-2021, xin đồng chí cho biết, tiến độ thực hiện Đề tài khoa học “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” đến thời điểm này?
- Đến nay, 22/22 nội dung nghiên cứu của đề tài trên đã được hoàn thành và nghiệm thu. Chúng tôi cũng vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” nhằm lấy ý kiến các cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học về báo cáo tổng kết đề tài.
- Thưa đồng chí, mỗi đề tài khoa học thường phải làm rõ tính cấp thiết và yêu cầu này được thực hiện ra sao?
- Đây là nhu cầu có tính tất yếu khách quan cả về lý luận và thực tiễn. Vì nói tới xây dựng Đảng là phải nói tới đội ngũ đảng viên và người đảng viên; muốn xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trước hết phải quan tâm xây dựng con người, mà ở đây trước hết là người đảng viên.
Đây còn là nhiệm vụ mà Trung ương đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng. Ngày 28-1-2019, Ban Bí thư (khóa XII) ra Chỉ thị số 28-CT/TƯ về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ mục tiêu: “... Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ...”.
Tại Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Trung ương một lần nữa xác định phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...
Là đảng bộ có số lượng đảng viên đông nhất cả nước, đặt mục tiêu hằng năm kết nạp 9.000-10.000 đảng viên và tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 75%, Đảng bộ Hà Nội xác định rất rõ tính chất cấp bách, cấp thiết của vấn đề này. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” đều đã lưu ý phải nâng cao chất lượng đảng viên, từ kết nạp, quản lý đến rà soát, sàng lọc đảng viên.
Nhằm chủ động làm tốt công tác tham mưu, Ban Tổ chức Thành ủy đã đề xuất và được Thường trực Thành ủy đồng ý cho triển khai Đề tài khoa học “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội - thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.
- Xin đồng chí cho biết, đâu là những nội dung mà đề tài tập trung giải quyết?
- Các nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài đã tập trung giải quyết 2 nhóm nội dung, gồm: “Cơ sở khoa học, cơ sở chính trị - pháp lý về xây dựng đội ngũ đảng viên và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ thành phố Hà Nội” và “Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội”.
Đề xuất các giải pháp có tính đột phá
- Thảo luận tại hội thảo vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu, nhất là tính ứng dụng của đề tài này. Đồng chí có thể cho biết cụ thể?
- Đúng vậy. Việc nghiên cứu khoa học căn cơ, bài bản và nghiêm túc trước khi đề xuất, triển khai một chủ trương, biện pháp cụ thể nào đó đã trở thành truyền thống của Thành ủy Hà Nội cũng như các ban Đảng khi làm công tác tham mưu. Tính ứng dụng chính là mục tiêu mà chúng tôi hướng tới khi đề xuất thực hiện đề tài này.
Điều này đã được thể hiện rõ trong dự thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài. Đi kèm với Báo cáo tổng kết đưa ra xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học là dự thảo 3 văn bản mà Ban Tổ chức Thành ủy đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy. Đó là: Dự thảo Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội”, dự thảo Đề án “Rà soát, sàng lọc, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng ở Đảng bộ thành phố Hà Nội” và dự thảo Hướng dẫn về “Một số nội dung nhằm nâng cao công tác quản lý đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong tình hình mới”.
- Cùng với 3 văn bản dự kiến báo cáo, đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy là hàng loạt những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng chí cho biết đâu là những giải pháp mới, có tính đột phá được đề xuất lần này?
- Với mỗi văn bản đề xuất, Ban Chủ nhiệm đề tài đều tập trung xây dựng hệ thống nhiệm vụ, giải pháp phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng đảng viên; vừa phải đồng bộ, toàn diện, vừa phải có trọng tâm, mới mẻ nhằm tạo bước đột phá. Đơn cử như trong dự thảo Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội”, chúng tôi đề xuất 6 nhiệm vụ và 9 giải pháp, trong đó xác định phải tập trung quy hoạch và bồi dưỡng nguồn phát triển đảng viên từ cấp chi bộ.
Hay đối với công tác quản lý đảng viên, chúng tôi xác định phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu đảng viên...
- Việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng vẫn là khâu khó, nhiều nơi còn làm hình thức. Xin đồng chí cho biết, Ban Tổ chức Thành ủy đề xuất giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
- Trong dự thảo đề án, chúng tôi đã làm rõ 13 phương thức tiến hành rà soát đảng viên; các tiêu chí, quy trình sàng lọc cụ thể nhằm phát hiện, đưa ngay những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng... Đây là cẩm nang để các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, giải pháp dù đầy đủ đến mấy thì quan trọng phải là khâu thực hiện, nên mấu chốt vẫn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu. Vì thế cùng với việc triển khai đề án, chúng tôi sẽ tập trung vào khâu tổ chức thực hiện, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
- Lộ trình báo cáo tổng kết đề tài và trình Ban Thường vụ Thành ủy các sản phẩm nêu trên ra sao, thưa đồng chí?
- Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện các báo cáo trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học và các cấp ủy trực thuộc Thành ủy để bảo đảm chất lượng cao nhất; phấn đấu hoàn thành trong tháng 7-2022. Trên cơ sở đó, sẽ báo cáo xin ý kiến Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy từng vấn đề cụ thể.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!