Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 11/04/2022

(HNM) - Từ ngày 1-7-2021, thành phố Hà Nội chính thức thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” ở các phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Mục đích triển khai mô hình này là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Sau gần 1 năm triển khai, mặc dù chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19 nhưng chủ trương lớn nói trên đã phần nào phát huy tác dụng như mục tiêu đặt ra, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Dù số biên chế ở nhiều địa bàn chưa đủ so với định biên nhưng kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại các phường cơ bản đạt trên 98%, nhiều nơi đạt 100%.

Tuy nhiên, một vấn đề nổi lên là việc sử dụng biên chế “cứng” 15 công chức tại UBND các phường trên địa bàn Thủ đô đã bộc lộ một số hạn chế. Đợt giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội trong tháng 3-2022 về việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp, công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường cho thấy điều đó. Cụ thể, dù là phường đông tới vài vạn dân hay vẫn còn đặc thù nông thôn thì biên chế công chức bình quân đều là 15 người. Từ đó, nảy sinh vấn đề một công chức thường phải kiêm nhiệm thêm một số việc khác, không đúng với chuyên môn đào tạo, vị trí việc làm, trong khi thu nhập hầu như không tăng.

Ngoài ra, cũng về vấn đề quản lý, sử dụng biên chế cho thấy, hiện vẫn còn vướng mắc và cần được hướng dẫn cụ thể như: Công chức phường theo quyết định là công chức do quận quản lý, nhưng việc liên thông giữa công chức phường và quận chưa có quy định; tính chủ động trong việc bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ của phường bị hạn chế do việc giao dự toán chậm; các phường hiện thiếu người theo dõi tài chính Đảng; cần có phân cấp, tăng thẩm quyền để phường chủ động giải quyết những ý kiến thiết yếu của người dân… Đây là những vấn đề thành phố cần ghi nhận để đề xuất các cơ quan Trung ương sớm có hướng dẫn hoặc điều chỉnh thích hợp.

Đối với chính quyền các quận, thị xã, căn cứ số biên chế được giao cần sớm có kế hoạch bổ sung nhân sự cho những đơn vị còn thiếu, địa bàn đông dân. UBND các quận, thị xã cũng cần vận dụng linh hoạt trong công tác quản lý cán bộ, công chức bằng các hình thức như điều động, luân chuyển, biệt phái…

Trong khi chờ những điều chỉnh mới về sử dụng biên chế, để bảo đảm việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị thành công, vai trò của nhân sự chủ chốt như chủ tịch UBND phường rất quan trọng. Đội ngũ này phải không ngừng nêu gương trên tinh thần trách nhiệm cao, tích cực học hỏi, đổi mới phong cách, tác phong công tác, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, trước yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn ở cơ sở đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cần tiếp tục đổi mới tư duy, tác phong, phương pháp làm việc; nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu pháp luật và xu thế phát triển, hội nhập quốc tế; tinh thông nghiệp vụ và có năng lực để bắt kịp quá trình phát triển theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng đô thị thông minh và hội nhập quốc tế. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững…

Đỗ Quỳnh Chi