Mở lối vào “đường cao tốc”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 12/04/2022
Song, thực tế cũng cho thấy, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn các văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quang ngang bộ. Trong đó, còn không ít quy định chồng chéo, tính khả thi, tính dự báo không cao; một số bộ, ngành vẫn giữ lợi ích cục bộ, dẫn đến việc sửa đổi, bổ sung đôi khi còn mang tính hình thức. Không ít quy định chưa đáp ứng được yêu cầu chính xác, dễ hiểu nên việc áp dụng trong thực tế thiếu thống nhất, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Thậm chí, có những quy định không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp, mà ngay cơ quan quản lý nhà nước cũng tỏ ra lúng túng, không biết áp dụng quy định nào cho phù hợp...
Với một nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn đối với khu vực và thế giới, hệ thống pháp luật cũng đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu cao hơn, không chỉ cho doanh nghiệp trong nước phát triển, mà còn phải tạo được niềm tin để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, tạo hệ sinh thái pháp lý hoàn thiện, đồng bộ phải là nhiệm vụ xuyên suốt, nhằm gỡ bỏ mọi nút thắt, trói buộc, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
Theo đó, các bộ, ngành cần ưu tiên, dành nguồn lực thỏa đáng cho việc rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, tăng cường tổ chức các cuộc đối thoại, lấy ý kiến của hội, hiệp hội doanh nghiệp về những vướng mắc, rào cản trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần đặt mình vào vị trí doanh nghiệp để thấu hiểu những quy định không phù hợp sẽ kìm hãm hoạt động của doanh nghiệp ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp. Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động đóng góp ý kiến, đề xuất với cơ quan chức năng hóa giải vướng mắc trên thực tế...
Trong quá trình soạn thảo văn bản pháp luật, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan; lấy ý kiến đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường sự phản biện trong xã hội để lựa chọn được phương án sửa đổi, bổ sung hợp lý nhất. Khi xây dựng, ban hành quy định pháp luật, phải đánh giá kỹ tác động đến đời sống và các điều kiện bảo đảm thi hành... Đặc biệt, thay vì áp đặt, giữ lợi ích cục bộ, mỗi bộ, ngành, địa phương cần hướng đến lợi ích chung, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Kinh tế - xã hội luôn vận động không ngừng nên việc rà soát văn bản pháp luật phải là công việc thường xuyên; rà soát trong phạm vi lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành, địa phương và có sự liên thông, xác định rõ đối tượng phục vụ cuối cùng là người dân, doanh nghiệp. Song song đó, công tác cải cách hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh và phù hợp với quy định pháp luật, để tạo sự đồng bộ trong thực thi.
Một hành lang pháp lý sát thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên, phù hợp với thông lệ khu vực và quốc tế chính là “đường cao tốc”, mở ra lộ trình thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Khi mọi vật cản trên “cao tốc” được loại bỏ, hệ sinh thái pháp lý sẽ đồng bộ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, hấp dẫn, qua đó khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung phát triển nhanh, bền vững.