Tạo hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:32, 12/04/2022

(HNM) - Hoạt động truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên cần thiết và là tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu. Việc minh bạch hóa nguồn gốc các sản phẩm hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại... Tuy nhiên, hành lang pháp lý và hướng dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà quản lý, người tiêu dùng trong việc tạo hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc hiện vẫn chưa hoàn thiện.

Đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc rau trước khi phân phối ra thị trường tại Hợp tác xã Rau sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nguyễn Quang

Thiếu đồng bộ và thống nhất

Hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam những năm gần đây đã góp phần giúp doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ quản trị nội bộ, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc còn giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế thương hiệu, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đứng trước nhiều thách thức. Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) Bùi Bá Chính, thách thức lớn nhất là thiếu “trọng tài” - sự quản lý nhà nước - thiếu tính kết nối và sự hiểu biết đúng đắn về truy xuất nguồn gốc.

Hiện tại, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở để triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc của Việt Nam chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và thống nhất. Chưa có chế tài xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. Hệ thống truy xuất nguồn gốc mang tính khép kín, không có khả năng tương tác, liên kết, chia sẻ và trao đổi dữ liệu...

Trước thực tế đó, ngày 19-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc, phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa. Đề án gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới (Blockchain, IoT, AI, Big data) để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc và thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Tăng kết nối, chia sẻ dữ liệu

Sau 3 năm thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng được 23 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc. Trong năm nay, dự kiến sẽ công bố thêm ít nhất 22 tiêu chuẩn quốc gia.

Hệ thống các văn bản quy phạm, pháp luật, tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), quy chuẩn (QCVN) về truy xuất nguồn gốc cũng đã hoàn thiện cơ bản và đang tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc, thừa nhận kết quả truy xuất nguồn gốc lẫn nhau.

Đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia có sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng, như: Nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, đơn vị vận chuyển, đơn vị phân phối, đơn vị bán lẻ, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước. Mục tiêu của Cổng thông tin hướng tới vấn đề: Thu thập, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu, từ đó bảo đảm sự kết nối giữa các hệ thống truy xuất của các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Cổng thông tin cũng hướng tới việc kết nối quốc tế để hỗ trợ việc xuất, nhập khẩu sản phẩm hàng hóa, thông quan và vượt qua các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc - yêu cầu đang dần trở thành một rào cản phi thuế quan.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số, mã vạch quốc gia Bùi Bá Chính, trong năm 2022, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ tập trung thu thập và chia sẻ các trường thông tin quan trọng của từng chủng loại sản phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng. Sau khi hoàn thành, các tính năng phục vụ lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực y tế và tài chính sẽ được triển khai trong các năm tiếp theo.

“Về lâu dài, chúng tôi mong muốn xây dựng được một hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc kết nối với tất cả các hệ thống có liên quan đến sản phẩm hàng hóa, từ đơn vị cung cấp nguyên vật liệu đến các đơn vị vận chuyển, lưu kho, phân phối, các đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước. Với hệ sinh thái này, chúng tôi cũng đặt mục tiêu hướng tới nền thương mại điện tử D2C (Direct To Consumer), một mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp có thể phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng, bỏ qua các khâu trung gian, kể cả hải quan”, ông Bùi Bá Chính cho biết.

Thu Hằng