Bài diễn ca lịch sử mang ý nghĩa vượt thời đại
Đời sống - Ngày đăng : 13:22, 01/12/2022
Sáng 1-12, tại Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “80 năm tác phẩm “Lịch sử nước ta” (1942-2022)” nhân kỷ niệm 80 năm tác phẩm giá trị này của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xuất bản lần đầu tiên.
Cách tiếp cận lịch sử độc đáo
Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Để khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên quần chúng tham gia các tổ chức của Mặt trận Việt Minh, đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi, Người đã viết tác phẩm “Lịch sử nước ta”.
Chỉ với 208 câu thơ lục bát ngắn gọn, súc tích, có mở đầu “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, Người đã giới thiệu những nhân vật lịch sử để khái quát truyền thống hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; từ đó, khơi gợi tinh thần yêu nước, phát huy truyền thống dân tộc nhằm tuyên truyền, giác ngộ quần chúng bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tác phẩm được Việt Minh tuyên truyền bộ xuất bản lần đầu tiên vào tháng 2-1942.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, đã 80 năm kể từ ngày tác phẩm “Lịch sử nước ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được xuất bản lần đầu tiên - một tác phẩm thơ giản dị, phổ thông, thông qua hình thức kể chuyện nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về lịch sử dân tộc, đất nước và con người Việt Nam, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị, khẳng định sức sống mãnh liệt và ý nghĩa vượt thời đại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Tuấn cho biết, hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục khẳng định những cống hiến và đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và cách mạng Việt Nam; khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Lịch sử nước ta” trong kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam, từ đó học tập và vận dụng thành công những kinh nghiệm quý báu của cha ông, những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn đất nước, để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đưa nước ta trở thành một nước phát triển.
Cùng với phân tích về hoàn cảnh ra đời, nội dung của tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định, “Lịch sử nước ta” là một tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt đứng về các phương diện chính trị, lịch sử, văn học, nghệ thuật… Lần đầu tiên có một tác phẩm viết về lịch sử bằng hình thức diễn ca - một cách tiếp cận lịch sử vô cùng độc đáo, không hề khô khan, cứng nhắc mà hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên. Tác phẩm viết về lịch sử từ thời Hồng Bàng dựng nước đến năm 1941 nhưng lại ngắn gọn, súc tích, đơn giản, dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.
Tiến sĩ Phạm Minh Thế, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, căn cứ vào việc dùng từ và cách thể hiện, diễn đạt ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể coi tác phẩm “Lịch sử nước ta” giống như lời hiệu triệu quốc dân đồng bào cùng đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực để thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Kết quả của lời hiệu triệu ấy chính là thành công, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945 với bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tục gìn giữ và phổ biến rộng rãi
Khẳng định giá trị của tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, yêu nước và đoàn kết là những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, là hằng số trong bảng giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” đã khắc họa truyền thống dân tộc từ những giá trị đó và vì thế mãi có tính thời sự, sức sống lâu bền. Trong bối cảnh hiện nay, việc giáo dục truyền thống lịch sử, bồi dưỡng tình cảm yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho mọi thế hệ, tầng lớp người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ là đòi hỏi cấp bách và hệ trọng.
Hội thảo cũng ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo uy tín trên cả nước về việc vận dụng những giá trị của tác phẩm “Lịch sử nước ta” vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; đồng thời, từ tác phẩm bàn về công tác dạy và học bộ môn lịch sử hiện nay.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, sau 80 năm ra đời, những quan điểm tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” rất cần thiết trong điều kiện Đảng cầm quyền, lãnh đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, hội thảo có ý nghĩa thiết thực, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 01 ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bên cạnh đó, đây vừa là dịp để tiếp tục ôn lại những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc được cha ông ta qua nhiều thế hệ đã hy sinh xương máu để giữ gìn và vun đắp, vừa là dịp để nhìn nhận, đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của việc hiểu biết lịch sử dân tộc trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay.
Để những giá trị của tác phẩm “Lịch sử nước ta” phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu giữ gìn, bảo quản các bản in gốc của tác phẩm này; đồng thời, tiếp tục tái bản tác phẩm “Lịch sử nước ta” để phổ biến rộng rãi trong xã hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, góp phần khẳng định, lan tỏa giá trị và sức sống trường tồn của tác phẩm.