Thành ủy Hà Nội thực hiện tốt 5 phương thức lãnh đạo, có nhiều đổi mới hiệu quả
Chính trị - Ngày đăng : 18:38, 12/04/2022
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo, Trưởng đoàn công tác và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng chủ trì cuộc làm việc.
Tham gia Đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, Thiếu tướng - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Văn Gấu.
Đại biểu thành phố Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy. Cùng dự còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố…
Chủ động đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy trình bày Báo cáo tóm tắt tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 30-7-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, 15 năm qua, nhận thức và tư duy của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng được nâng lên.
Thành ủy Hà Nội thường xuyên nghiên cứu đổi mới việc ban hành nghị quyết, học tập quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng cụ thể hóa nghị quyết thành các chương trình hành động với các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất đột phá.
Từ năm 2007 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã ban hành trên 500 văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong nghị quyết, đổi mới việc thực hiện nghị quyết bằng việc xây dựng các chương trình, đề án, đề tài, chuyên đề để chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, có tính cấp bách, bức xúc mà thực tiễn đặt ra.
Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác đối với các cấp ủy trực thuộc thông qua quy chế làm việc, nghị quyết và chương trình công tác toàn khóa và hằng năm; đồng thời chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy xây dựng quy chế làm việc, bảo đảm theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”.
Đặc biệt, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Thành ủy đã ban hành 2 quy chế làm việc mẫu của Đảng ủy phường, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; chỉ đạo UBND thành phố ban hành Quy chế làm việc mẫu của UBND phường, xác định rõ trách nhiệm, lề lối làm việc, chế độ hội họp, phương thức giải quyết công việc...
Trong công tác cán bộ, Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đúng các quy định; quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; luôn chủ động, thực hiện trước một bước, đồng bộ giữa các khâu của công tác cán bộ với cách làm thận trọng, kỹ lưỡng, công phu, toàn diện, bài bản với phương châm: “Cẩn trọng, chắc chắn, giữ vững đoàn kết, nhanh chóng ổn định, không làm xáo trộn cuộc sống của cán bộ, công chức và nhân dân địa phương”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nêu rõ, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã bám sát mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa X và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với hệ thống chính trị thành phố đã góp phần giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo; nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đồng thời phát huy tốt hơn vai trò quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng trong công tác lãnh đạo, góp phần tích cực vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhất là 2 năm qua trước tác động của đại dịch Covid-19.
Báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy cũng nêu 7 vấn đề còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; 4 bài học kinh nghiệm; 8 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; đề xuất 2 giải pháp đột phá và 6 kiến nghị cụ thể.
Đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội kiến nghị Trung ương nghiên cứu, ban hành Nghị quyết mới về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; thể chế hóa, cụ thể hóa phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị thành các quy định, quy chế; chỉ đạo xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài…
Vừa bảo đảm có nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo
Trao đổi, thảo luận tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn công tác đánh giá cao chất lượng báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nhất là những bài học kinh nghiệm của thành phố hay những đánh giá rất thẳng thắn về hạn chế còn tồn tại. Cùng với yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề, thành viên Đoàn công tác đề nghị Hà Nội bổ sung một phụ lục thống kê những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các quận, huyện, thị ủy, giúp Đoàn công tác nghiên cứu phục vụ tham mưu Trung ương.
Các đồng chí Thường trực Thành ủy và Trưởng ban Tổ chức Thành ủy đã giải đáp, làm rõ từng yêu cầu của Đoàn công tác. Đáng chú ý, các đồng chí lãnh đạo thành phố kiến nghị Trung ương tạo điều kiện về cơ chế, nhất là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội để phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cho Hà Nội căn cơ, lâu dài và có tính ổn định...
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về ý nghĩa sống còn của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là phát huy vai trò tiền phong của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên để xây dựng Đảng bộ Thủ đô thực sự gương mẫu, đi đầu như Bác Hồ đã dạy.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X), sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và truyền thống, kinh nghiệm của Đảng bộ Thủ đô, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thành phố đã lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp vừa đột phá, vừa lâu dài với định hướng phát triển đồng đều, bền vững, khơi thông nguồn lực...
Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và phát triển công nghiệp văn hóa; 2 chỉ thị về quản lý đất đai, trật tự xây dựng và quy hoạch, quản lý quy hoạch... Thành ủy cũng đã chỉ đạo đầu tư đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô nhằm tạo động lực phát triển; tập trung thực hiện cải tạo chung cư cũ, cải thiện đời sống người dân, diện mạo đô thị; tập trung đầu tư nhằm tạo đột phá trên 3 lĩnh vực: Giáo dục, y tế và văn hóa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), phát huy kết quả đạt được, Thành ủy và các cấp ủy thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của tổ chức Đảng và đảng viên...
Kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, đánh giá cao Thành ủy, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng đều được thực hiện tốt gắn với đổi mới phong cách, lề lối làm việc, đạt kết quả nổi bật.
Trong đó, nhấn mạnh năng lực cụ thể hóa là một trong những yêu cầu rất lớn của đổi mới phương thức lãnh đạo, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhìn nhận, Thành ủy Hà Nội đã làm rất tốt nhiệm vụ này, không chỉ cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô, mà còn lựa chọn đúng và trúng trọng tâm, trọng điểm, đột phá để giải quyết những vấn đề đặt ra.
Thành ủy Hà Nội còn làm rất tốt việc xây dựng và thực hiện các quy chế làm việc; quá trình lãnh đạo, chỉ đạo vừa bảo đảm có nguyên tắc, vừa linh hoạt, mềm dẻo theo tình hình để bảo đảm tính hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X), Hà Nội đã tổ chức bộ máy hệ thống chính trị thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cấp ủy thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Đồng chí Trương Thị Mai cũng đã ghi nhận các kiến nghị của Ban Thường vụ Thành ủy và khẳng định sẽ xem xét cụ thể để tham mưu Trung ương, trong đó có việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động của địa phương.