Tạo điểm tựa vững chắc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 13/04/2022
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của thành phố, nghiêm túc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch và đạt nhiều kết quả khả quan, tạo đà thuận lợi để trong quý I-2022 tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 5,83%, cao hơn trung bình chung của cả nước.
Tuy nhiên, thành phố cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác phòng, chống dịch vẫn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm như: Bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan, để phát sinh các chuỗi lây nhiễm phức tạp; có thời điểm còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân. Năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế...
Trước tình hình trên, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 31-3-2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Mục đích xuyên suốt của kế hoạch là bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, nhanh chóng đưa Thủ đô chuyển sang trạng thái “bình thường mới”; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca tử vong do Covid-19. Đặc biệt, thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Theo đó, từ nay đến hết năm 2022, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Kế hoạch số 101/KH-UBND. Đó là: Không ngừng nâng cao năng lực của hệ thống chính trị, nhất là về lĩnh vực y tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội cùng với bảo đảm an sinh xã hội… Thành phố cũng phân cấp, phân quyền rõ ràng về tài chính, hậu cần; về vận động nhân dân và huy động nguồn lực xã hội; về truyền thông, công nghệ thông tin.
Điều kiện tiên quyết là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch. Các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là làm tốt công tác chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ.
Đối với yêu cầu nâng cao năng lực của hệ thống, nhất là tăng cường đầu tư công cho lĩnh vực y tế, các đơn vị, địa phương cần chú trọng hoạt động xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh và dần từng bước tiến tới xã hội hóa lĩnh vực y tế dự phòng; rà soát, đề xuất điều chỉnh và thực hiện các chế độ đãi ngộ, chính sách xứng đáng đối với ngành Y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Điều quan trọng là các đơn vị, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân không chủ quan, lơ là; đồng thời phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19, tạo điểm tựa vững chắc để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu cụ thể là GRDP của thành phố đạt mức tăng trưởng 7-7,5% trong năm 2022.