“Trân quý và tôn vinh những sản phẩm báo chí giá trị”
Văn hóa - Ngày đăng : 17:35, 13/04/2022
- Bà có thể chia sẻ đôi điều về ý tưởng tổ chức khu trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” ngay sau tiếng trống khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022?
- Bảo tàng Báo chí Việt Nam vinh dự được Hội Nhà báo Việt Nam giao tổ chức khu trưng bày chuyên đề “100 năm báo Le Paria” - coi đây là sự kiện đầu tiên diễn ra ngay sau tiếng trống khai hội, đánh dấu thời điểm chính thức khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2022.
Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm tạo nên một không gian đặc biệt, giới thiệu đến công chúng những tư liệu nghiên cứu, tài liệu, hiện vật liên quan đến báo Le Paria và sự tham gia của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào quá trình sáng lập và điều hành tờ báo này cách đây 100 năm ngay tại Paris (Pháp) - coi đây là một vũ khí đấu tranh cách mạng, phục vụ lý tưởng giải phóng đất nước, dân tộc.
Thông qua hoạt động trưng bày này, công chúng có dịp tìm hiểu thêm về tờ báo nổi tiếng Le Paria, cũng như hiểu thêm về tư duy, phong cách, giá trị nhân văn, đạo đức báo chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi mong muốn nhân sự kiện này để thể hiện sự trân quý đối với di sản quý báu Người để lại cho đất nước và nhân dân ta, cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.
- Với triển lãm ảnh “Những nẻo đường xuân” khai mạc chiều cùng ngày thì sao, thưa bà?
- Bản thân tôi hiện kiêm nhiệm phụ trách Nhà văn hóa của Hội Nhà báo Việt Nam đã rất ủng hộ hoạt động triển lãm ảnh “Những nẻo đường xuân” do Câu lạc bộ ảnh trực thuộc Nhà văn hóa đề xuất thực hiện.
Chung mục tiêu là thể hiện sự trân quý và tôn vinh những sản phẩm báo chí giá trị, triển lãm ảnh báo chí “Những nẻo đường xuân” là dịp để chúng tôi giới thiệu đến công chúng những tác phẩm ảnh báo chí được chọn lọc kỹ, được tổ chức thi và chấm giải nghiêm túc, chặt chẽ, giới thiệu về những nét đẹp của quê hương, đất nước, con người, nếp sinh hoạt các vùng miền, phản ánh thành tựu, hình ảnh đất nước trong tiến trình đổi mới.
Với triển lãm ảnh lần này, chúng tôi kỳ vọng công chúng thực sự sẽ được đi qua “những nẻo đường xuân” để đến với Hội báo toàn quốc năm 2022.
- Là Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Hội báo, bà có thể chia sẻ về kế hoạch triển khai để tạo nên những ngày hội cho những người làm báo và công chúng báo chí cả nước?
- Khi xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã chuẩn bị 2 phương án tổ chức Hội Báo toàn quốc năm 2022, một là tổ chức trong trạng thái bình thường mới, hai là tổ chức trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp với rất nhiều hạn chế về công tác tổ chức sự kiện, tọa đàm, triển lãm…
Phải đến cuối tuần đầu tiên của tháng 4-2022, phương án 1 mới được “chốt” chính thức, và thật vui mừng khi toàn bộ ý tưởng tổ chức các sự kiện cho Hội Báo toàn quốc năm 2022 đều được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Sau 2 sự kiện mang tính chất điểm nhấn được tổ chức trong ngày khai mạc, Hội Báo toàn quốc năm 2022 sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 15-4 với lịch trình cụ thể như sau: Diễn đàn “Vấn đề hôm nay: Chuyển đổi số” (8h30 ngày 14-4); tổ chức trường quay trực tiếp “Như chưa hề có cuộc chia ly” và tọa đàm “Chuyện nghề: Hai chữ Nhân văn” (14h ngày 14-4); chương trình ca nhạc “Giọng hát hay Người làm báo” (9h ngày 15-4)...
Tất cả những sự kiện này đều nhắm mục tiêu làm sáng rõ chủ đề của Hội báo năm nay: “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”.
- Trân trọng cảm ơn bà!