Xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050
Công nghệ - Ngày đăng : 17:12, 14/04/2022
Chia sẻ về nội dung dự thảo, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Phạm Văn Tấn cho biết, quan điểm xuyên suốt của chiến lược khẳng định, BĐKH là xu thế không thể đảo ngược và là thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Thích ứng với BĐKH và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Việt Nam sẽ ứng phó với BĐKH trên nguyên tắc công lý, công bằng, cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực, hiệu quả, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh, ứng phó với BĐKH là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện. Quá trình này cần sự nỗ lực liên tục, kiên định, thống nhất trong nhận thức và hành động.
Các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của BĐKH sẽ được triển khai. Trong đó, ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.
Để làm được điều này, Việt Nam tập trung nguồn lực cho ứng phó với BĐKH; phát triển các cơ chế tài chính, thị trường các-bon; thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi...
Tương tự, về giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm nhiệm vụ chung và nhóm nhiệm vụ riêng theo các lĩnh vực: Năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp.
Các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 được lựa chọn trên cơ sở sử dụng các công nghệ, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính tiên tiến nhất tại Việt Nam và chuyển giao, ứng dụng công nghệ trên thế giới.
Dự thảo Chiến lược cũng đặt ra nhiệm vụ về hoàn thiện thể chế, phát huy tiềm năng và nguồn lực ứng phó hiệu quả với BĐKH…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập và các bộ, ngành sớm gửi văn bản góp ý về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cục Biến đổi khí hậu tiếp thu ý kiến, nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Chiến lược trong thời gian tới. Đây là vấn đề cấp bách, bởi hiện nay, các đối tác quốc tế rất quan tâm, muốn đồng hành với Việt Nam ứng phó BĐKH, đặc biệt trong chuyển đổi năng lượng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm vấn đề này và đã chỉ đạo quyết liệt nhằm hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26...