Lan tỏa hành động đẹp thông qua mô hình điểm sơ cấp cứu cộng đồng
Xã hội - Ngày đăng : 17:10, 14/04/2022
Kịp thời trợ giúp người gặp nạn
Hà Nội là địa phương có mật độ dân số cao, số lượng người tham gia giao thông lớn, dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn. Mặt khác, trên địa bàn thành phố có nhiều công trình xây dựng cao tầng, nhiều sông ngòi chảy qua, khiến những người có tâm lý chủ quan, lơ là dễ bị tai nạn thương tích, tai nạn lao động, rơi ngã từ trên cao, đuối nước...
Nhằm trợ giúp kịp thời các trường hợp không may gặp nạn, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã triển khai mô hình điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo tại cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe (Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội) Đoàn Đại Dương cho biết, hiện nay, 19/30 quận, huyện, thị xã có điểm sơ cấp cứu với hơn 40 cơ sở đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành. Những địa phương triển khai rộng mô hình này là quận Hà Đông với 24 điểm đang hoạt động, quận Cầu Giấy với 4 điểm đang hoạt động. Điểm sơ cấp cứu thường được đặt tại nhà của tình nguyện viên Chữ thập đỏ, nhà thuốc, nhà văn hóa cộng đồng, nhà họp khu dân cư, tổ dân phố.... Các điểm đều có thiết bị, dụng cụ y tế, có người ứng trực thường xuyên. Nhờ đó, mô hình điểm sơ cấp cứu góp phần không nhỏ trong công tác chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, hỗ trợ sơ cấp cứu trong những tình huống cấp bách.
Từng được hỗ trợ sơ cấp cứu tại phòng khám nhân đạo trên đường Tôn Thất Tùng (quận Đống Đa), anh Phùng Quang Thái, trú tại phường Thanh Xuân Nam kể lại, trong một lần tham gia giao thông, không may anh bị va chạm với xe đi ngược chiều trên đường Trường Chinh, gây chấn thương ở chân. Ngay sau đó, anh Thái được người dân đưa vào phòng khám nhân đạo. Tại đây, anh được tình nguyện viên Chữ thập đỏ sơ cấp cứu miễn phí trước khi chuyển đến Bệnh viện Đại học Y điều trị. “Nhờ được băng bó kịp thời, vết thương cầm máu, nên thời gian điều trị của tôi được rút ngắn, chi phí điều trị giảm đáng kể”, anh Thái nhớ lại.
Đáng ghi nhận hơn, thông qua mô hình điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo tại cộng đồng, Hà Nội có thêm các tình nguyện viên, cộng tác viên Chữ thập đỏ. Đó là những y, bác sĩ nghỉ hưu, những người có kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu. Với lực lượng cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ, bản thân mỗi người chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để có thể hỗ trợ người dân ở bất cứ đâu.
Chẳng hạn, đầu tháng 4-2022, khi tham gia giao thông, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến gặp một trường hợp bị tai nạn giao thông ở ngã tư Thạch Bàn (quận Long Biên). Trong tình huống này, bà Yến dừng xe, hỗ trợ cầm máu, nẹp cố định cánh tay bị gãy cho nạn nhân; đồng thời gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đi bệnh viện...
Vượt khó để hoạt động tốt hơn
Hiệu quả của các điểm sơ cấp cứu, phòng khám Chữ thập đỏ cộng đồng đã được khẳng định với hàng nghìn trường hợp được hỗ trợ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, quá trình vận hành mô hình này gặp không ít khó khăn.
Theo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội, khó khăn lớn nhất là nguồn lực con người. Bởi, nhiều tình nguyện viên trực tại các điểm sơ cấp cứu đã cao tuổi, nên không dễ cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cũng như thực hiện thao tác hỗ trợ sơ cấp cứu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị sơ cấp cứu tại một số điểm còn thiếu thốn... Đây là nguyên nhân khiến 10 điểm sơ cấp cứu cộng đồng phải tạm dừng hoạt động.
Vượt khó để hoạt động tốt hơn, trong quý I-2022, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội huy động nguồn lực để trao tặng dụng cụ, phương tiện cho nhiều điểm sơ cấp cứu. Ngoài ra, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố chú trọng tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên. Nội dung tập huấn gồm những kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu, như kỹ thuật di chuyển nạn nhân, thổi ngạt ép tim, dị vật đường thở, băng bó gãy xương, chấn thương phần mềm, chấn thương sọ não, cột sống, cứu đuối nước…
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Minh Thu cho hay, sau khi tham gia các lớp tập huấn, lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ trở thành những hạt nhân tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích ở cơ sở, cùng các cơ quan, đơn vị chức năng giúp cộng đồng biết cách phòng, chống tai nạn thương tích từ những việc nhỏ. Đó là nên để đồ vật sắc nhọn, phích nước nóng, lắp ổ cắm điện xa tầm với của trẻ nhỏ; hướng dẫn trẻ em vui chơi ở những nơi an toàn. Khi tham gia giao thông, các thành viên cần đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu...
Trao đổi về mô hình ý nghĩa này, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu khẳng định, dù khó khăn, các cấp hội tiếp tục vận động nguồn lực để bổ sung trang thiết bị cho các điểm sơ cấp cứu, phòng khám nhân đạo, tạo điều kiện tốt nhất để các điểm hoạt động hiệu quả. Đó cũng là giải pháp góp phần chăm sóc sức khỏe người dân từ gia đình, cộng đồng...