Bác sĩ tại nhà: Trẻ đã mắc Covid-19 có cần tiêm vắc xin?
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:50, 15/04/2022
Đáp: Trẻ đã mắc Covid-19 vẫn có thể mắc lại. Vì vậy, khi dịch vẫn diễn biến phức tạp thì nên tiêm vắc xin dự phòng ngay cả khi trẻ đã mắc Covid-19.
Để đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, nhất là trẻ đã mắc Covid-19 trước đó, Hội đồng chuyên môn tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã đồng thuận quy định thời gian tối thiểu để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19 là 3 tháng.
Đây là khoảng thời gian mà trẻ mắc Covid-19 gần như đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời khả năng bảo vệ tự nhiên có được khi trẻ nhiễm bệnh cũng đã suy giảm, vì vậy, tiêm vắc xin cho trẻ là phù hợp.
Tuy nhiên, tùy từng tình huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng hay không.
Chẳng hạn, trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng, các biểu hiện lâm sàng hoàn toàn bình thường nhưng tình hình lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng đang diễn ra ở mức độ cao, phức tạp thì kể cả trẻ chưa khỏi Covid-19 đủ 3 tháng, chúng ta cũng có thể xem xét, cân nhắc tiêm sớm hơn. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc trẻ.
Cán bộ y tế khi khám sàng lọc sẽ có đánh giá toàn diện, tư vấn và chỉ định tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ đảm bảo an toàn theo đúng các quy định và hướng dẫn chuyên môn.
Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng, đang hóa trị ung thư... Chống chỉ định tiêm chủng ở lứa tuổi từ 5 - 11 với nhóm có tiền sử phản vệ với vắc xin Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin.
Những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên, ngoài trường hợp từng có hội chứng MIS-C còn gồm các trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc...).
Bác sĩ Lê Kiến Ngãi
Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi trung ương