Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu trọng điểm về kinh tế số

Kinh tế - Ngày đăng : 12:17, 15/04/2022

(HNMO) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng tin tưởng kinh tế số là động lực tăng trưởng cho Việt Nam nói chung, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu trọng điểm.

Ngày 15-4, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tham dự diễn đàn.

Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu chào mừng diễn đàn.

Thành phố Hồ Chí Minh là trọng điểm kinh tế số

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, sau 2 năm trì hoãn do đại dịch Covid-19, Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với sự tham gia của đông đảo đại biểu là minh chứng cho việc thành phố Hồ Chí Minh đã và đang trở lại trạng thái bình thường, với các hoạt động sôi động vốn có.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, kinh tế số vẫn còn là lĩnh vực rất mới mẻ, bên cạnh sự đầu tư hạ tầng và dẫn dắt của chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách từ trung ương, các bài học kinh nghiệm quý báu từ các doanh nghiệp, địa phương và các tổ chức quốc tế để bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả, giúp thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đi tắt, đón đầu, phát triển nhanh chóng, đuổi kịp và tiến vượt so với các nước trong khu vực.

“Với tinh thần đó, diễn đàn về kinh tế số ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần mở ra hướng phát triển mới của thành phố Hồ Chí Minh. Qua diễn đàn, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu, nhiều bài học hay để triển khai hiệu quả chương trình chuyển đổi số của thành phố và có các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, thành phố Hồ Chí Minh có đủ các điều kiện để đi đầu về kinh tế số. Thành phố cần tập trung đầu tư hạ tầng về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số và nâng cao khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp trong chuyển đổi số, trong đó trọng tâm là kinh tế số.

“Tôi tin tưởng rằng, ngay sau đại dịch Covid-19, khởi động kinh tế số là động lực tăng trưởng cho Việt Nam nói chung, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu trọng điểm”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Tập trung bốn nhiệm vụ phát triển kinh tế số

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, về mục tiêu phát triển kinh tế số, thành phố Hồ Chí Minh đặt ra cao hơn cả nước. Theo đó, đến 2025, kinh tế số của thành phố đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố, tương ứng cả nước là 20% và 30% GDP. Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng vào thành công của cả nước; đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh.

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại diễn đàn.

Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào bốn nhiệm vụ. 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.

Hai là, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế, vận dụng vào thực tế cần bảo đảm tính đặc thù của Việt Nam và thành phố, không máy móc.

Ba là, triển khai nhanh chóng và hiệu quả chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số (đã có) vào các hoạt động thực tế tại thành phố với phương châm “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”.

Bốn là, trong giai đoạn trước mắt, trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, cần nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số.

Các đại biểu tìm hiểu về mô hình ứng dụng kinh tế số.

Diễn đàn kinh tế thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai” xoay quanh 4 vấn đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại thành phố Hồ Chí Minh định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thách thức và giải pháp; chuyển đổi số trong doanh nghiệp, kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nguyễn Lê