Những điều cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 16/04/2022
1. Tìm hiểu đầy đủ về tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 đối với trẻ. Trước khi đưa trẻ đi tiêm, cần chuẩn bị tâm lý tích cực cho trẻ; cho trẻ ăn đủ no; ký giấy đồng ý cho trẻ tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Cha mẹ, người giám hộ nên chuẩn bị câu trả lời khi khám tầm soát trước khi tiêm: Trẻ có bị dị ứng không? Trẻ bị sốt? Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một loại thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch? Trẻ đã được tiêm vắc xin khác?... Việc thông báo chính xác về tiền sử tiêm chủng, tiền sử dị ứng của trẻ với các triệu chứng và biện pháp điều trị cụ thể, tình trạng bệnh nền, các loại thuốc điều trị mà trẻ đang sử dụng... là hết sức quan trọng để bác sĩ có thể ra quyết định phù hợp trong việc chống chỉ định, chuyển viện hay điều cần lưu ý khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ, và có kế hoạch theo dõi kỹ sau khi tiêm.
2. Tại điểm tiêm chủng, cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
3. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh hay tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, thực hiện chế độ ăn đủ dinh dưỡng... Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì cần cho trẻ đi khám ngay. Không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Đo nhiệt độ thường xuyên cho trẻ, nếu sốt nhẹ thì cởi bớt và nới lỏng quần áo, chườm/ lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn; uống đủ nước và lưu ý không để nhiễm lạnh. Nếu sốt 38,5oC trở lên thì cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế; trong vòng 2 giờ, nếu không cắt được sốt hoặc trẻ sốt lại thì cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Thời gian theo dõi cho trẻ là 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong 7 ngày đầu. Nếu thấy các dấu hiệu bất thường như phát ban, đau đầu, chóng mặt kéo dài, hôn mê, tức ngực, đau quặn bụng, khó thở, thở rít... thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.