Cơ hội để Afghanistan tránh sụp đổ kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 06:58, 16/04/2022
Kể từ tháng 8-2021, khi Mỹ rút những binh sĩ cuối cùng và Taliban giành lại quyền kiểm soát, Afghanistan đã rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.
Việc Mỹ rút quân đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm, nhưng bạo lực và căng thẳng chính trị - xã hội vẫn còn. Sau khi Taliban nắm chính quyền, viện trợ tài chính do WB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp đột ngột bị tạm dừng do các chính phủ đóng băng tài chính của Afghanistan trong các khoản dự trữ ở nước ngoài.
Nguy cơ sụp đổ kinh tế được thúc đẩy bởi sự sụt giảm mạnh các khoản viện trợ quốc tế, mất khả năng tiếp cận tài sản ở nước ngoài của Ngân hàng trung ương Afghanistan, gián đoạn các mối quan hệ với ngân hàng quốc tế và mất niềm tin từ các nhà đầu tư. Điều này đã đẩy Afghanistan rơi vào tình trạng suy sụp kinh tế và khủng hoảng nhân đạo.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong một báo cáo mới đây đã chỉ ra rằng, cuộc khủng hoảng đặc biệt tàn khốc với các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Afghanistan, gồm nông nghiệp, hành chính công, dịch vụ xã hội và xây dựng.
Báo cáo “Hướng tới ổn định và phục hồi kinh tế” được WB công bố hôm 13-4 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người đã giảm khoảng 1/3 so với những tháng cuối năm 2021, xóa sổ những tiến bộ kinh tế nước này đạt được kể từ năm 2007. Với sự hỗ trợ quốc tế chỉ giới hạn trong vấn đề nhân đạo và dịch vụ cơ bản, thu nhập của người dân nói riêng và nền kinh tế Afghanistan nói chung được dự báo tiếp tục sụt giảm trong cả năm 2022. Nền kinh tế sẽ không tăng trưởng đủ nhanh để cải thiện sinh kế, tạo việc làm cho 600.000 người đến tuổi lao động mỗi năm.
Liên hợp quốc ước tính, 97% người Afghanistan có thể rơi xuống dưới mức nghèo khổ (thu nhập dưới 1,9 USD/người/ngày) vào mùa hè năm 2022 nếu các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị của quốc gia này không được giải quyết.
Cũng theo báo cáo của WB, Afghanistan có nhiều tiềm năng kinh tế từ khu vực nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, dân số trẻ, cùng những cải thiện gần đây trong môi trường an ninh. Nếu khai thác hiệu quả, quốc gia Nam Á này có thể ổn định nền kinh tế, phục hồi sản lượng và thu nhập, dựa trên mô hình kinh tế bền vững hơn do khu vực tư nhân dẫn dắt. Tuy nhiên, việc hướng tới quỹ đạo phát triển trên đòi hỏi hành động hiệu quả của cả cộng đồng quốc tế và chính quyền lâm thời của Taliban.
WB khuyến nghị, chính quyền Taliban phải tuân thủ các tiêu chuẩn cơ bản về bình đẳng giới, tôn trọng nhân quyền và quản lý kinh tế hợp lý. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo cơ bản.
“Dù vậy, mức độ cung cấp hỗ trợ của chúng tôi sẽ phụ thuộc vào cách Taliban nỗ lực giải quyết các vấn đề chính như quyền của phụ nữ và trẻ em gái cũng như các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo. Không quốc gia nào có thể thành công nếu một nửa dân số của họ bị kìm hãm”, Liz Truss - Bộ trưởng Ngoại giao Anh phát biểu trong hội nghị của Liên hợp quốc tổ chức hôm 31-3 vừa qua ở London (Anh), nhằm quyên góp 4,4 tỷ USD cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan từ các nhà tài trợ quốc tế.
Rõ ràng, nếu nền kinh tế Afghanistan không được trợ giúp để “hồi sinh”, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế hiện tại sẽ chỉ ngày càng tồi tệ hơn, gây hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây.