Sự lặng im trở thành tri kỷ

Sách - Ngày đăng : 16:31, 16/04/2022

(HNMCT) - Trong đời người, mỗi tuổi đương nhiên là mỗi thu. Và nếu một ai đó 63 - 64 tuổi, thì cũng có ngần ấy mùa thu tương ứng mà người ấy đã đi qua.

Chính vì thế mà tôi đã đọc đi đọc lại “Đã một lần thu” - tập thơ mới nhất của nhà thơ Nguyễn Đức Quang (NXB Hội Nhà văn), và không khỏi ngẫm ngợi. Sao không là “Đã nhiều lần thu” mà lại là “Đã một lần thu”? Rồi tôi tự tìm thấy câu trả lời: Một lần thu ở đây xảy ra ở “lục thập nhi nhĩ thuận”, thời điểm nhà thơ thấy “phải” với tuổi của mình, thấy “phải” với lòng mình. Nhìn chung ở đời, “sống sao cho phải” thật khó, nếu không muốn nói là thậm khó! Mặt khác, tôi cũng hiểu: Một lần thu là một mùa thu ấn tượng và có thể rất đặc biệt, chỉ xảy ra một lần trong đời Nguyễn Đức Quang.

“Đã một lần thu” bắt đầu từ “Buổi sáng đầu tiên” ấy, sau khi Nguyễn Đức Quang rời nhiệm sở, rời bỏ công việc từ ngày 3-9-2019, khi anh tròn 60 tuổi. Và anh gọi đó là “buổi sáng tự do”. Trong sáng thu có một không hai ấy, anh nhận ra mình được sở hữu: “Nắng thu và gió thu/ Anh cũng thành thu từ lúc nào không rõ/ Nhẹ nhàng và bâng khuâng”, và chợt nhận ra: “Mặt hồ xanh hơn/ Và anh nhớ mọi người nhiều hơn...”. Điều đó khiến nhà thơ giật mình, rồi thốt lên: “Sao anh có khoảnh khắc này?”.

Nhận ra “Sao anh có khoảnh khắc này?” trong “Buổi sáng đầu tiên” và phát hiện ra “Chỉ riêng ta có một buổi chiều” trong “Buổi chiều đi cắt tóc” là niềm vui của riêng nhà thơ, không phải ai cũng dễ dàng ngộ ra được. Trong trường hợp này, Nguyễn Đức Quang đã làm được một điều khác lạ: Biến cái bình thường thành cái khác thường một cách tự nhiên nhất.

Ta dễ dàng nhận ra lòng nhà thơ như chùng xuống trước mùa thu “Để thu thành thu mãi trong thu” ("Hẹn thu") và gắn bó với mùa thu đến mức “Người với cây như thể: Ta - mình” ("Viết cho cây hoa mộc"). Rồi một khi đã trở thành một thể thống nhất cả ở bên ngoài lẫn bên trong, cả ở đây (không gian) và bây giờ (thời gian) thì “Nép vào đâu cũng thấy lòng thanh thản” ("Góc phố") vậy! Trong cái mùa thu ấy, đi xa hơn, Nguyễn Đức Quang còn tự nhận ra những gì sâu xa hơn, thầm kín hơn, bản lĩnh hơn và quy luật hơn. Những sâu xa, thầm kín, bản lĩnh, quy luật này rất có màu sắc và triết lý của đời sống. Đó là “Biết thua là biết được” trong “Thua”, “Đời người thoáng chốc/ Mây là mây ơi” trong “Thế thôi, cõi tạm”...

Trong “Đã một lần thu”, có mấy bài trong “chùm thơ mùa thu Covid - 2021” rất đặc biệt, chúng không chỉ góp phần giãi bày tâm sự mà còn góp phần thể hiện những khoảnh khắc bừng rộ của một hồn thơ. Tất cả như được khởi động từ một xuất phát: “Tự giãn cách hay tự đào thải/ Thiên nhiên” ("Cúc thu") với nỗi lo “Ta hình như vô cảm với ta” ("Giáp hạt thu") cùng ý nghĩ “Có liều vaccine ngăn vô cảm lây lan” ("Xa mặt cách lòng"), Nguyễn Đức Quang mong ước: “Bao giờ trở lại bình thường mới/ Cả nắng như mình cùng ngóng trông” ("Buổi sáng"). Đặc biệt, tứ thơ “Hoa loa kèn mùa Covid-19” được triển khai rất thành công với nhiều tâm đắc, sẻ chia: “Hoa trắng tinh bất kể những tổn thương/ Tìm về mùa dâng hiến/ Thế đấy sao mình hờ hững/ Ngày tháng trôi qua, để lại chút gì?/ Niềm vui nhỏ nhoi cũng là đáng quý/ Nỗi buồn đơn sơ thanh lọc tâm hồn/ Thế đấy, hoa nhắc mình đã sống/ Mùa dịch trôi qua màu trắng vẹn toàn/ Sự im lặng trở thành tri kỷ...”.

Cảm giác Nguyễn Đức Quang thật khiêm nhường và khoan dung trong thơ. Cảm giác anh buông bỏ mọi thứ, đi qua mọi vướng bận để “tối giản mình”, “trở về mình” đồng thời “trở về nhà” là rất rõ. Thơ anh là thơ có thế mạnh ở nội lực về mặt cảm xúc và trên cái nền ấy mà có thể đứng vững và đi xa thêm nữa ở ngay tập thơ thứ tám này.

Chẳng thế mà anh tự tin đến mức “nép vào mình” để “miên man”, để sống với những gì mình có của chính bản thân mình!

Nguyễn Đức Quang có nhiều năm gắn bó với báo Thiếu Niên Tiền Phong, từ lúc còn là phóng viên cho đến khi là Tổng Biên tập. Anh có sở trường làm thơ cho thiếu nhi và được đánh giá cao ở thể loại này. Nhưng qua “Đã một lần thu”, Nguyễn Đức Quang chứng tỏ thơ của anh không chỉ có thế!

Đặng Huy Giang