Giá vật tư nông nghiệp tăng cao - nông dân tìm cách thích ứng

Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:24, 16/04/2022

(HNMO) - Theo khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón tăng 40-50%; giống cây trồng tăng 10-15%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 10-20%; thức ăn chăn nuôi, thủy sản tăng 15-20%, thuốc thú y tăng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân chật vật thích ứng nhằm bảo đảm được mùa...

Để thích ứng giá vật tư leo thang, không để chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nông dân Hà Nội nỗ lực ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ thay thế phân bón vô cơ trong trồng trọt và thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi.

Thích ứng để duy trì sản xuất

Bà Nguyễn Thị Tới ở xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ, từ năm ngoái đến năm nay, giá phân đạm tăng gấp 3 lần, phân lân tăng gấp đôi. Hiện nay, 1kg phân đạm dao động ở mức 16.000-20.000 đồng/kg. Trước đó, khi vào vụ sản xuất, giá giống cũng đã tăng từ 5-10% nên nông dân rất vất vả.

Trước thực trạng giá phân bón tăng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thành phố đã tìm cách thích ứng nhằm duy trì sản xuất. Vụ xuân năm nay, gia đình bà Tới cấy 8 sào lúa. Mọi năm, gia đình bà bón lót phân lân trước khi cấy, nhưng năm nay, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học, bà chuyển sang bón lót bằng phân chuồng.

Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Thạo ở xã Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cũng bón kết hợp giữa 2 loại phân vô cơ và hữu cơ để giảm bớt chi phí. Ông Thạo cho hay: "Với 3 sào ruộng, mọi năm, gia đình tôi đến các đại lý mua phân hóa học về tích trữ cho cả vụ, gồm bón lót, bón thúc và đón đòng. Nhưng năm nay, giá phân tăng, nhà tôi chỉ mua 1 ít phân lân, còn đạm và kali chờ đến khi nào lúa có đòng mới mua. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, không bị "đói" phân, tôi đã ủ phân chuồng để bón. Ưu điểm của phân hữu cơ là làm tăng độ phì nhiêu của đất, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ, cân đối".

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân chật vật thích ứng.

Qua tìm hiểu tại một số địa phương khác, giá phân bón tăng, duy trì ở mức cao khiến nhiều hộ dân phải tính toán kỹ trong việc canh tác. Một số hộ đã cắt giảm phân hóa học hoặc chuyển phần lớn sang phân hữu cơ, tận dụng phế phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư.

Cùng với đó, bà con ở các địa phương đã tích cực áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm lượng phân bón trên đồng ruộng, như: Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm - 3 tăng" (giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả)...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, khi giá tăng, nông dân cũng có muôn cách để thích ứng, giảm tối đa chi phí. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhãn ở thôn Lưu Xá (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, gia đình có thâm niên nuôi cá gần 20 năm nhưng chưa khi nào gặp khó khăn như năm nay. Mặc dù đầu ra sản phẩm ổn định nhưng giá cám công nghiệp cho cá tăng mạnh khiến lợi nhuận sụt giảm.

"Tôi luôn tìm cách thích ứng với tình hình thị trường. Hằng ngày, cùng với thức ăn tinh, tôi dùng cỏ, chuối và thóc ủ mầm làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy đã giảm được 60% cám công nghiệp", bà Nhãn nói.

Các hộ chăn nuôi đang tiết giảm việc sử dụng cám công nghiệp.

Còn hộ anh Dương Trịnh Quyết, chủ trang trại nuôi 6.000 gà đẻ ở Cụm 5, xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, để tiết giảm chi phí, anh đặt hàng nhà máy cung cấp trực tiếp sản phẩm đến trang trại, không tốn chi phí trung gian.

Bên cạnh đó, anh Quyết còn xử lý chất thải từ chuồng trại bằng đệm lót sinh học, tạo nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho một số trang trại trồng cây ăn quả trên địa bàn. Nhờ đó, gia đình thêm khoản thu tái đầu tư sản xuất...

Sử dụng vật tư tiết kiệm, hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (Hà Nội) Ngô Tiến Hoàng, với sự biến động giá, một số loại phân bón tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất. Hiện nay, nông dân bước vào thời kỳ chăm sóc cây trồng; lúa xuân đang bước vào giai đoạn cần bón thúc để sinh trưởng, nếu không được bổ sung đủ nguồn dinh dưỡng, năng suất cây trồng chắc chắn giảm. Do đó, để giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, phân bón vô cơ trong trồng trọt..., địa phương khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo ông Lê Xuân Trường, Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, mặc dù giá vật tư tăng cao, trong đó đặc biệt là phân bón có mức tăng cao hơn cả, để bảo đảm hiệu quả sản xuất, nông dân không nên cắt bỏ hoàn toàn phân bón vô cơ mà nên sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng liều lượng, kỹ thuật theo giai đoạn sinh trưởng, phát triển từng loại cây trồng; đồng thời, tăng tỷ trọng phân bón hữu cơ trong chăm sóc cây trồng để vừa giúp cải tạo đất, vừa giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm năng suất.

Một số hộ chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp.

Để hỗ trợ nông dân trước tình trạng giá vật tư, nguyên liệu biến động, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở đã nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, trước hết, tạo điều kiện cho các hợp tác xã, hộ nông dân liên kết tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp trực tiếp tại các nhà máy sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tăng cường hướng dẫn nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; tận dụng rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để ủ thành phân hữu cơ; ứng dụng công nghệ vận hành hệ thống tưới nước và phân bón nhỏ giọt tự động trên các loại cây trồng, mô hình công nghệ cao; chú trọng hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có (cám, ngô, bã đậu, rau xanh, phụ phẩm nông nghiệp...) thay thế một phần nguồn thức ăn hỗn hợp mua từ thị trường; đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để mua cám tận gốc, bảo đảm sản xuất không bị đình trệ do vật tư tăng cao.

Bạch Thanh