Đuối nước ở trẻ - Đến hè lại lo...

Xã hội - Ngày đăng : 06:20, 18/04/2022

(HNM) - Liên tiếp thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra không ít vụ đuối nước thương tâm. Mùa hè đang tới gần cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước gia tăng. Với bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước ở trẻ em hoặc do sự chủ quan, bất cẩn của người lớn trong việc quản lý, giám sát là nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước.

Huấn luyện kỹ năng bơi cho trẻ sẽ góp phần phòng tránh tai nạn đuối nước.

Nguyên nhân tử vong hàng đầu

Ngay đầu tháng 4-2022, do không có tiết học ở trường, 5 học sinh nữ lớp 6 không đến lớp mà rủ nhau đi tắm ở sông Mộc Khê tại vị trí giáp ranh 2 xã Thiệu Hợp và Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) dẫn đến đuối nước và tử vong. Cũng trong tháng 4 này, một vụ đuối nước nghiêm trọng khác xảy ra tại huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) khiến 4 học sinh lớp 7 cũng tử vong thương tâm…

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Điều đáng nói, đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè. Riêng trong 4 tháng hè năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 54 vụ tai nạn đuối nước, khiến 89 trẻ tử vong.

Gần đây, Bệnh viện Nhi trung ương cũng tiếp nhận và điều trị cho không ít trường hợp trẻ bị đuối nước khi tắm ở ao, hồ, bể bơi, thậm chí đuối nước do xô, chậu, bồn tắm, bể bơi phao hoặc vật dụng chứa nước ở gia đình.

Đơn cử như trường hợp của bé trai (32 tháng tuổi, ở tỉnh Nam Định) khi người bố ra ao gần nhà, thì phát hiện con mình đang nổi trên mặt nước. May mắn, bé trai này đã được cấp cứu kịp thời. Hay như trường hợp bé trai (11 tháng tuổi, ở Hà Nội) được gia đình cho chơi trong bể bơi phao tại nhà. Chỉ ít phút không có sự giám sát của người lớn, bé đã bị nằm úp mặt xuống đáy bể bơi. Khi đến bệnh viện, trẻ đã rơi vào tình trạng suy hô hấp, sốt, co giật. Sau một tuần điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe bé trai này đã ổn định…

Bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong do tai nạn ở trẻ. Nếu được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể qua cơn nguy kịch, nhưng cũng có thể chịu biến chứng nặng nề, như: Suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu ô xy kéo dài.

Từ những nghiên cứu, đánh giá về phòng, chống đuối nước ở trẻ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Công cộng) Phạm Việt Cường phân tích, trẻ dưới 6 tuổi thường hiếu động, thích nghịch nước và hầu hết đều chưa biết bơi. Đuối nước xảy ra ở nhóm tuổi này thường rơi vào trường hợp người lớn không giám sát, để trẻ chơi một mình. Còn với trẻ từ 6 đến 15 tuổi có thể biết bơi và đã nhận thức được mối nguy hiểm, nhưng do ham chơi nên đuối nước thường xảy ra ở những địa điểm xa nhà, như: Ao, hồ, sông, biển… Do đó, thời gian trẻ được nghỉ hè, nhu cầu đi bơi, đi tắm nhiều hơn, nên các trường hợp tử vong do đuối nước xảy ra nhiều hơn.

Trung tâm y tế quận Long Biên tổ chức tập huấn về cách xử trí và phòng tránh đuối nước ở trẻ mầm non cho giáo viên của Trường Mầm non Tràng An.

Sơ cứu đúng cách vô cùng quan trọng

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương), phần lớn trẻ đuối nước tử vong hoặc chịu di chứng ở não đều do không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách. Vì vậy, việc sơ cứu tại chỗ đúng kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.

Đặc biệt, mọi người cần lưu ý, trong quá trình sơ cứu cần tránh các sai lầm thường gặp như dốc ngược trẻ hoặc vác trẻ lên vai rồi chạy cho nôn nước ra. Việc này sẽ làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và tăng nguy cơ hít sặc.

Từ việc tiếp cận với một số trường hợp trẻ bị đuối nước may mắn được sơ cứu kịp thời, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương (Trường Đại học Y tế Công cộng) Phạm Việt Cường cho rằng, nhận thức và sự vào cuộc của cộng đồng, của từng cá nhân vẫn là yếu tố quyết định việc có bao nhiêu trẻ sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ to lớn này. Ở những vụ đuối nước, nạn nhân được cứu sống đều do người cứu nạn được trang bị kiến thức rất tốt về sơ cấp cứu. Vì vậy, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Ngọc Duy cũng đưa ra khuyến cáo, không nên để trẻ chơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, tại khu vực xung quanh nhà nên đậy kín các chum vại nước. Tuyệt đối không cho trẻ chơi gần ao, hồ. Tốt nhất nên dạy trẻ tập bơi để tránh những tai nạn đáng tiếc. Trẻ chỉ bơi ở những nơi có người lớn và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ quy định của bể bơi, khu vực bơi. Riêng với trẻ lớn cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ và cách phòng tránh tai nạn thương tích.

Thu Trang