Leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine: Nguy cơ vượt tầm kiểm soát
Thế giới - Ngày đăng : 07:42, 18/04/2022
Nguyên nhân dẫn tới xung đột là do tháng lễ Ramadan năm nay của tín đồ Hồi giáo (chủ yếu là người Palestine) trùng với dịp lễ quan trọng của người Do Thái (Israel) và lễ Phục sinh của Cơ đốc giáo. Ước tính trong dịp này có hàng vạn tín đồ đổ về thành cổ Jerusalem, địa điểm linh thiêng đối với cả 3 tôn giáo.
Vốn có lịch sử xung khắc với nhau trong nhiều thập kỷ nên chỉ trong 1 tuần qua, hàng loạt cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel đã được ghi nhận tại Jerusalem khiến ít nhất 14 người Palestine thiệt mạng, hơn 300 người khác bị thương.
Nghiêm trọng nhất là cuộc đụng độ kéo dài 6 tiếng đồng hồ ngày 15-4 tại khu vực đền Al-Aqsa (theo cách gọi của người Hồi giáo), hoặc Núi Đền (theo cách gọi của người Do Thái). Cảnh sát Israel đã bắt giữ hàng trăm người Palestine và dùng vòi rồng giải tán đám đông.
Dư luận thế giới đã đồng loạt lên án tình trạng bạo lực tại Jerusalem, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh đang xấu đi tại Jerusalem và kêu gọi các bên nỗ lực giải quyết căng thẳng. Ông cũng khẳng định sự cần thiết phải tôn trọng và bảo vệ duy trì nguyên trạng các khu vực thánh địa ở Jerusalem.
Trong một phản ứng có liên quan, Tổng thống chính quyền Palestine Mahmoud Abbas đã triệu tập hội nghị các quan chức cấp cao để thảo luận khả năng chấm dứt các thỏa thuận hợp tác an ninh với Israel. Động thái này diễn ra sau khi các nhà lãnh đạo đảng Fatah cầm quyền ở Bờ Tây thúc giục chính quyền Palestine ra nghị quyết kêu gọi đình chỉ hợp tác an ninh và chấm dứt các thỏa thuận đã ký kết trước đó với Israel. Fatah cho rằng những chính sách và hành động mới nhất của Israel chứng tỏ sự thất bại của các biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Theo các nhà bình luận, bản kế hoạch hòa bình Trung Đông, hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào năm 2020 đã đưa lộ trình hòa bình giữa Palestine và Israel rơi vào thế bế tắc. Nói cụ thể hơn, những điều khoản gây tranh cãi trong văn bản nói trên đã làm suy yếu các cơ hội đạt được giải pháp hai nhà nước và thiết lập hòa bình trong khu vực. Nếu hai bên không khẩn trương nối lại đàm phán nghiêm túc và hiệu quả dưới hình thức trực tiếp hoặc thông qua sự bảo trợ của Liên hợp quốc, tình trạng gia tăng căng thẳng sẽ diễn tiến khó lường.
Hiện tại, giải pháp mà các bên liên quan hướng tới là tăng cường xây dựng lòng tin với mục đích cải thiện điều kiện sống của người dân Palestine và nối lại các cuộc đàm phán. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng kêu gọi Israel và Palestine kiềm chế mọi hành động đơn phương triển vọng của một nền hòa bình công bằng, lâu dài.
Đặc biệt, việc Israel xây dựng và mở rộng các khu định cư, tịch thu đất đai và ép buộc người Palestine rời khỏi nhà cửa cũng như bất kỳ hình thức bạo lực và thù hận nào sẽ chỉ làm tình hình chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, hiệp ước hòa bình giữa các nước Arab và Israel cũng mang đến ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết xung đột Israel - Palestine một cách toàn diện.
Nhìn chung, lộ trình hòa bình ở Trung Đông phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của Israel và Palestine cũng như sự thúc đẩy của cộng đồng quốc tế để có thể nối lại các cuộc đàm phán đáng tin cậy. Điều này không chỉ mang lợi ích cho các bên liên quan mà còn có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và ổn định trong khu vực.