Giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn

Đời sống - Ngày đăng : 09:15, 18/04/2022

(HNMO) - Ngày 18-4 hằng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam, có ý nghĩa động viên, khích lệ người khuyết tật nỗ lực vượt lên hoàn cảnh; kêu gọi các cơ quan chức năng cùng cộng đồng quan tâm, chăm lo về nhiều mặt cho người khuyết tật. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn nhiều khó khăn.

Phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật diễn ra ngày 14-4 vừa qua mang đến cơ hội việc làm cho nhiều lao động khuyết tật. 

Lao động có việc làm mới đạt hơn 30%

Theo Ủy ban quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, cả nước ghi nhận hơn 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, bằng hơn 7% tổng dân số, trong đó có gần 3 triệu người có giấy chứng nhận là người khuyết tật.

Đến nay, 100% người khuyết tật đủ điều kiện được tiếp cận, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Riêng năm 2021, ngân sách nhà nước bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hằng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội; đồng thời bố trí hơn 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với nhóm đối tượng đặc thù này.

Ngoài ra, các tổ chức của người khuyết tật chủ động huy động nguồn lực xã hội để chăm lo cho hội viên. Nhận được sự quan tâm kịp thời, hiện nay, hơn 90% gia đình có thành viên là người khuyết tật ở nước ta không còn phải sống trong cảnh nghèo...

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để người khuyết tật vươn lên, hòa nhập xã hội là giúp họ có việc làm phù hợp còn gặp nhiều khó khăn. Dẫn chứng là, tỷ lệ có việc làm đối với lao động là người khuyết tật của cả nước mới đạt hơn 30%. Phân tích nguyên nhân, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho hay, nhiều người khuyết tật còn tâm lý tự ti, chưa chủ động tiếp cận với cơ hội việc làm. Vì thế, dù doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động khuyết tật, nhưng vẫn khó tuyển. 

Dưới góc độ tuyển dụng lao động, bà Chử Thị Thanh Hương, Giám đốc sáng lập doanh nghiệp xã hội vì người khiếm thính Việt Nam cho rằng, hiện nay, đa số doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng trên các nền tảng trực tuyến, trong khi phần lớn người khuyết tật không đủ khả năng tiếp cận với thông tin về thị trường lao động.

Về phía người lao động, chị Nguyễn Thị Hường (trú tại phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) chia sẻ: “Đa số người khuyết tật gặp khó khăn khi di chuyển, nên họ chỉ phù hợp với những việc làm tại nhà hoặc gần nhà. Nếu đi làm xa, doanh nghiệp cần bố trí nơi ăn chốn ở cho người lao động. Vì lý do này, cá nhân tôi vừa từ chối một công việc tốt do địa điểm làm việc cách nơi tôi cư trú hơn 20km”. 

Cần quan tâm hơn, công tác đào tạo nghề cho lao động khuyết tật chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Phạm Viết Thu cho hay, giai đoạn 2016-2021, các cấp hội của người khiếm thị mới mở được 66 lớp các nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát… cho 850 học viên. Hệ thống 393 cơ sở sản xuất tập trung và 139 tổ nhóm sản xuất thủ công thuộc các cấp hội người khiếm thị thu hút 4.483 lao động làm việc với mức thu nhập bình quân của nghề thủ công là 1,9 triệu đồng/tháng, nghề xoa bóp bấm huyệt đạt 2,5 triệu đồng/tháng...

“Lao động được đào tạo nghề còn ít, người có việc làm thu nhập còn thấp là điều chúng tôi luôn băn khoăn, trăn trở”, ông Phạm Viết Thu nói. 

 Một lao động khuyết tật tại Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) miệt mài làm việc. 

Chú trọng tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề

Nhằm trợ giúp người khuyết tật vươn lên, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cùng cộng đồng xã hội cần chú trọng tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động khuyết tật, qua đó giúp họ rộng mở cơ hội việc làm. Bộ khuyến khích hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho hơn 3.300 giáo viên trực tiếp dạy nghề cho nhóm lao động đặc thù này.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hồi, các cơ quan chức năng ưu thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật... Theo hướng này, năm 2021, cả nước giải quyết cho 1.138 dự án của lao động khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động khuyết tật. 

Ở cấp cơ sở, các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật. Chẳng hạn, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho người khuyết tật; khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp chủ động đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này. Hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp được triển khai thường xuyên, giúp người khuyết tật nhận ra khả năng của bản thân, từ đó lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. 

Xác định rõ hướng đi, Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội chủ động liên kết với nhiều đơn vị sử dụng lao động để đào tạo nghề theo vị trí việc làm cho lao động khuyết tật.

Đại diện phía tuyển dụng, ông Nguyễn Hải Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang tuyển ít nhất 95 lao động khuyết tật cho vị trí nhân viên tư vấn tuyển sinh chuyên ngành hàng không. Nếu trúng tuyển, người lao động nhận được mức lương cơ bản 5-6 triệu đồng/tháng, cộng với thu nhập theo hiệu suất công việc. Những lao động chưa thạo việc sẽ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, làm việc”. 

Trên thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp do người khuyết tật làm chủ, sử dụng đa số lao động là người khuyết tật như Hợp tác xã Sức sống xanh (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn), Hợp tác xã Vụn Art (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), Công ty We-Edit Việt Nam (phường Đồng Mai, quận Hà Đông), Công ty cổ phần Fagi (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh)... đã gặt hái được những thành công.

Điểm chung của các đơn vị, doanh nghiệp trên là chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, còn bản thân mỗi người vượt qua rào cản tự ti để học nghề. Do đó, cùng với sự trợ giúp từ phía các cơ quan chức năng, bản thân lao động khuyết tật cần chủ động vượt khó vươn lên, tích cực tìm hiểu thông tin về thị trường lao động để nắm bắt cơ hội việc làm. 

Minh Vũ