Di dời nhà máy, công sở, bệnh viện, trường đại học... ra khỏi nội đô: Cần quyết tâm cao
Đời sống - Ngày đăng : 05:57, 19/04/2022
Bất cập từ “những manh áo chật”
Nghiên cứu về lịch sử đô thị hóa ở Việt Nam dưới góc độ kinh tế - xã hội, mà Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là điển hình, đã khẳng định việc xuất hiện của “thành” là tiền đề không thể chối cãi trong sự hình thành đô thị. Phần “thành” và các công trình công cộng được từng bước xây dựng, mở rộng cho đến thế kỷ XVII, kéo theo sự phát triển tiệm tiến của phần “thị” ở kinh đô.
Sau hơn một thế kỷ suy giảm dưới thời nhà Nguyễn, vai trò Thủ đô của Hà Nội được tái lập như một Paris ở Viễn Đông dưới thời Pháp thuộc và bước lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Hệ thống nhà máy, bệnh viện, trường đại học quan trọng của đất nước từng bước được hình thành, phát triển. Ở đó, không chỉ là nơi vận hành những cỗ máy trong một hệ thống lớn mà còn là tạo nên diện mạo và lực hấp dẫn cho đô thị Hà Nội. Tuy vậy, thực tế phát triển đô thị Hà Nội thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập.
Hệ thống công sở của các bộ, ngành, trung ương trên địa bàn Thủ đô hiện nay phần lớn được xây dựng từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Vì vậy, hầu hết có vị trí nằm trong các quận nội thành. Bên cạnh yếu tố thuận tiện trong giao dịch công tác, phối hợp giữa các cơ quan, việc hệ thống trụ sở cơ quan cấp quốc gia nằm xen lẫn trong khu dân cư mật độ cao đã gây ách tắc giao thông vào giờ cao điểm và thiếu các dịch vụ đô thị đi kèm. Từ những cơ sở của một cấu trúc không gian lịch sử có quy mô nhỏ, nên đại bộ phận công sở không đạt tiêu chuẩn, hầu hết thiếu về diện tích và chức năng sử dụng và diện tích dành cho các hoạt động dịch vụ công. Trong số 25 bộ, ngành mới có 17 bộ, ngành sử dụng nhà cấp I; 8 bộ, ngành sử dụng nhà cấp II, cấp III. Ngoài ra, trong công sở chính của các bộ, ngành còn 398 ngôi nhà cấp IV, 196 ngôi nhà cấp III, 164 ngôi nhà cấp II và 50 ngôi nhà cấp I... Con số khái lược trên cho thấy thách thức không nhỏ trong việc hiện đại hóa để công sở xứng tầm với vai trò cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, việc không đảm bảo về quy mô, diện tích dẫn đến mật độ xây dựng tại các công sở chính của các bộ, ngành rất cao để đáp ứng nhu cầu tăng diện tích làm việc. Các công trình xây dựng bổ sung, xây chen làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị...
Hà Nội là 1 trong 2 trung tâm y tế lớn nhất nước và là 1 trong 4 trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước. Thủ đô là nơi tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành của trung ương, của các ngành cũng như của thành phố với trang thiết bị hiện đại và đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 32 cơ sở y tế do Bộ Y tế quản lý, 14 bệnh viện và trung tâm khám, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành. Sự tập trung một số lượng lớn các bệnh viện tuyến trung ương và cơ sở y tế của các bộ, ngành trên địa bàn Thủ đô là một lợi thế lớn cho nhân dân trong việc tiếp cận những kỹ thuật y học hiện đại. Nhưng cũng chính việc tập trung một số lượng rất lớn bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Bắc đã làm hệ thống bệnh viện trở nên quá tải trầm trọng, cùng với đó là sức ép lên cơ sở hạ tầng và môi trường. Phần lớn các bệnh viện tại Hà Nội có quy mô diện tích nhỏ, thậm chí rất nhỏ, thiếu so với tiêu chuẩn diện tích trung bình 100m2/giường bệnh. Hệ thống bệnh viện khu vực nội thành xây dựng từ lâu, mặt bằng chật hẹp không còn điều kiện mở rộng, phần lớn nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc. Chỉ tiêu giường bệnh trên 10.000 dân còn khá thấp.
Hà Nội chiếm đến 1/3 tổng số trường đại học và cao đẳng và 40% tổng số sinh viên cả nước. Tuy nhiên mạng lưới trường đại học, cao đẳng, dạy nghề ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm cơ bản như: Cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu đào tạo, một lượng lớn sinh viên tập trung vào khu vực nội thành, mô hình đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội... Quỹ đất các trường vốn đã hạn hẹp lại bị chuyển đổi, lấn chiếm khá nghiêm trọng. Đơn cử như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, với 34ha, theo quy hoạch cũ, được thiết kế cho 2.000 sinh viên vào những năm 60 của thế kỷ XX, đến nay diện tích đất còn không đầy một nửa trong khi quy mô sinh viên đã gấp 10 lần. Nhiều trường đại học, cao đẳng bó buộc trong những “manh áo cũ”, như Trường Đại học Mỏ - Địa chất với gần 1 vạn sinh viên vốn là một khu khách sạn cải tạo lại, hoặc từ những cơ sở đào tạo cấp thấp như trường hợp của Đại học Kiến trúc, Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong khuôn viên của hai trường trung cấp, trung học chuyên nghiệp... Một số dự án lại dồn vào những cao ốc ở ngay những nút giao thông lớn, như dự án cho 1,5 vạn sinh viên của Đại học Kinh tế Quốc dân; hoặc ngược lại, không ít trường lại bố trí ở những khu đất trong ngõ, không thuận tiện về giao thông. Với một bức tranh phác thảo như vậy thật khó để các cơ sở đào tạo hiện nay đáp ứng được mô hình chuẩn của quốc gia và quốc tế, đồng thời càng khiến cho khu vực trung tâm Hà Nội chịu thêm sức ép về dân số, dịch vụ đô thị và hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là giao thông đô thị.
Không chỉ công sở, trường học, bệnh viện, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn đề cập đến việc di dời các cơ sở công nghiệp khỏi nội đô nhằm khai thác quỹ đất hiện hữu, chủ yếu là các cơ sở công nghiệp xây dựng những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, vốn đã nằm lọt trong đô thị trung tâm. Nhiều khu đất vốn là cơ sở công nghiệp đã chuyển đổi thành các cao ốc, khu đô thị như khu đất Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí số 1, Dệt 8-3... Thực tế việc chuyển đổi này không khác gì chất tải thêm lên một không gian vốn đã quá tải. Chưa kể vẫn tồn tại nhiều cơ sở trong các khu công nghiệp tập trung cũ tại Thượng Đình, Minh Khai - Vĩnh Tuy - Mai Động, Văn Điển - Pháp Vân, Giáp Bát - Trương Định, Chèm, Đức Giang - Cầu Đuống, Cầu Diễn..., gây nên ô nhiễm và không còn khả năng mở rộng cũng như sản xuất sản phẩm.
Thủ đô hiện tại đã khác, diện tích đất đai, quy mô dân số được mở rộng, định hướng và mô hình không gian chùm đô thị nhằm giải quyết vấn đề giảm tải cho khu vực nội đô. Trong đó, di dời để phát triển và tái cân bằng đô thị được xem là một giải pháp quan trọng.
Những điểm sáng le lói
Chuyển biến đáng kể nhất thể hiện ở những công sở di dời từ khu vực nội đô lịch sử ra các quận mới. Khu nhà làm việc mới của Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường ở quận Nam Từ Liêm, hay Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Khoa học và Công nghệ ở quận Cầu Giấy trước đó là những điển hình của công tác di dời. Quy hoạch - kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc của các bộ, ngành Trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây cũng đã được nghiên cứu, tổ chức thi tuyển. Khu đô thị phía Nam Đại lộ Thăng Long cũng đã dành quỹ đất cho khu vực thứ hai cho việc di dời các công sở trung ương ra khỏi nội đô.
Thành phố Hà Nội thời gian qua đã có cách làm mới, sáng tạo. Đó là hình thành tại một số địa điểm tập trung theo mô hình cụm công sở cơ quan thuộc cùng nhóm ngành, lĩnh vực để thực hiện việc di dời các cơ sở cũ trong khu vực lõi ra ngoại vi. Điển hình là việc xây dựng mới Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân dân thành phố tại khu vực nam Vành đai 3 thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Hay xây dựng mới Khu liên cơ 285 Võ Chí Công làm nơi tập trung của khối sở, ngành thuộc lĩnh vực kinh tế - hạ tầng - khoa học...
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thể hiện quyết tâm hình thành “thành phố đại học” khi xây dựng lộ trình đưa các trường thành viên lên đô thị Hòa Lạc. Một số bệnh viện cũng đang thí điểm mô hình bệnh viện vệ tinh, theo gương của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Kim Chung, Đông Anh - một thành công rất đáng khích lệ từ quyết tâm chính trị từ nhiều năm trước.
Tuy nhiên, những điểm sáng ấy chưa thật sự tạo nên chuyển biến lớn trên diện rộng. Hà Nội đang tiến hành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô. Vị thế Thủ đô sẽ được nâng cao hơn nếu vấn đề xây dựng mới, song hành với di dời công sở, nhà máy, trường học, bệnh viện được nghiên cứu với sự vào cuộc của Trung ương, các bộ, ngành và đơn vị quản lý. Một quy hoạch tích hợp bài bản, khoa học với sự chung tay cùng nghiên cứu, cùng thực thi của tất cả các chủ thể. Hơn hết là một quyết tâm cao để trong tương lai gần có những công sở, khu công nghiệp, đô thị đại học và bệnh viện tuyến đầu - mới, hiện đại phân bố hợp lý, đóng góp vào sự phát triển đô thị bền vững, vừa thể hiện vị thế Thủ đô vừa kế thừa bản sắc đô thị ngàn năm văn hiến.