Tìm khung pháp lý cho đô thị thông minh
Kinh tế - Ngày đăng : 11:13, 20/04/2022
Còn nhiều thách thức
Phát triển đô thị thông minh là nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1-8-2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, đô thị thông minh là xu thế phát triển nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và năng lực cạnh tranh của đô thị. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, xu hướng này lại càng được khẳng định.
Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh; có đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh, song việc triển khai còn gặp thách thức.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) Lê Hoàng Trung chia sẻ, đô thị thông minh dù được đề cập nhiều nhưng vẫn là vấn đề mới của cả thế giới cũng như Việt Nam. Mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau, dựa trên điều kiện phát triển khác nhau. Tại Việt Nam, mỗi địa phương, đô thị xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội riêng biệt.
Tuy nhiên, qua theo dõi, nhiều đô thị chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, không biết nguồn lực nào để phát triển.
Nguyên nhân chính được đại diện Bộ Xây dựng chỉ ra là đến nay vẫn chưa có khung pháp lý (tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh, hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc) cho đô thị thông minh, cũng như cơ chế hỗ trợ thu hút nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh. Bên cạnh đó, dữ liệu để xây dựng đô thị thông minh chậm cập nhật so với quá trình hoạch định chính sách, ra quyết định.
Định hình khung tiêu chí
Để phát triển đô thị thông minh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, cần thiết có một bộ tiêu chí mang tính định hướng trong xây dựng đô thị thông minh. Vị chuyên gia này cho rằng, bản chất của đô thị thông minh là phải có giải pháp quản trị thông minh để phục vụ người dân được tốt hơn. Vì vậy, bên cạnh công nghệ, yếu tố quan trọng nhất là giải pháp về quản trị của chính quyền đô thị; vấn đề nào cộng đồng có thể thực hiện được thì trao quyền cho họ. Khi có giải pháp, mọi nguồn lực sẽ được tận dụng tốt hơn.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Lê Hoàng Trung cho biết, thực tiễn mỗi đô thị lựa chọn cách tiếp cận, giải quyết 1-2 vấn đề của đô thị, chứ không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh tổng hòa tất cả. Vì vậy, từng địa phương cần lựa chọn vấn đề cần ưu tiên giải quyết để phát triển đô thị thông minh phù hợp, đồng thời bảo đảm sự đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Để định hình đô thị thông minh, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu khung tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh. Trước tiên, sẽ là sổ tay hướng dẫn, theo đó sẽ lượng hóa các tiêu chí về đô thị thông minh ở lĩnh vực quy hoạch đô thị, hạ tầng đô thị, kiến trúc đô thị, vận hành đô thị (gồm cấp nước, xử lý rác thải, giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục…), tiện ích cho người dân, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững...
“Chúng ta không quá cầu toàn đưa hết vấn đề xã hội, mà đưa ra khung, chọn một vài tiêu chí phổ quát nhất. Đô thị vẫn phát triển, tồn tại và có thách thức. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, từng bước kiện toàn dần theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội...”, ông Lê Hoàng Trung nói.
Tại Hà Nội, xây dựng đô thị thông minh cũng đã được thành phố nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương, trong giai đoạn 1 (2018-2020), Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh: Xây dựng và phát triển nền tảng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số lĩnh vực “nóng” như: Giao thông, môi trường, y tế…