Thúc đẩy các mô hình sản xuất bền vững
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:29, 20/04/2022
Lợi ích kép từ những mô hình tuần hoàn
Một trong những mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại nhiều địa phương là mô hình nuôi cá - lúa. Từ khi áp dụng mô hình nuôi cá - lúa trên quy mô 1ha, việc canh tác lúa xuân và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa của gia đình ông Chu Đức Trí ở xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cho lãi 60-80 triệu đồng/ha. Mô hình mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh nên sử dụng phương thức canh tác này tiết kiệm được nhiều chi phí thức ăn cho cá. Thêm nữa, lượng chất thải từ nuôi cá là nguồn phân hữu cơ tự nhiên nên nông dân gieo cấy lúa xuân năng suất cao, lượng phân bón các loại giảm tới 70%.
Còn ông Nghiêm Xuân Tiến ở xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa) nhận định: Chi phí sản xuất nông nghiệp ngày một tăng cao, trong trồng trọt giá phân bón đã tăng 2-3 lần trong năm vừa qua, còn giá giống tăng ít nhất 10%; với nuôi trồng thủy sản áp lực về chi phí thức ăn cũng là gánh nặng đối với nhà nông. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản không tăng, muốn có lãi, nông dân buộc phải tìm cách sản xuất dựa vào tự nhiên để giảm chi phí.
Được sự hỗ trợ về quy trình canh tác, nhiều hộ dân ở các huyện đã áp dụng thành công mô hình tuần hoàn đem lại hiệu quả cao. Chị Nguyễn Thị Hương chủ trang trại nuôi gà đẻ ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) đang áp dụng mô hình cho gà ăn thảo dược và chế phẩm vi sinh cho biết: Vật nuôi hấp thu dinh dưỡng tối ưu hơn, chất lượng trứng tốt hơn, chất thải giảm được mùi hôi, phân hủy nhanh... Phân gà có bao nhiêu được các hộ trồng rau màu, cây ăn quả đặt mua hết ngay. Với phương thức sản xuất này, gia đình không chỉ có phân bón hữu cơ cho toàn bộ cây trồng trong trang trại mà mỗi năm còn thu được cả trăm triệu đồng từ chất thải chăn nuôi gà.
Tại huyện Thường Tín, nhiều hộ nông dân đã thay đổi tư duy sản xuất vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái môi trường trên đồng ruộng, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. Việc sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm do Nhật Bản sản xuất để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa không chỉ làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật có lợi cho đất mà còn giúp cải tạo đất sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Quất Động Hồ Văn Ban chia sẻ: Phương pháp canh tác này không chỉ góp phần hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn phân bón tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu
Chi phí sản xuất ngày một tăng cao trong khi giá thành sản phẩm nông nghiệp không tăng, để giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường sinh thái thì các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên vừa là giải pháp, vừa là mục tiêu của nhiều địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết: Các mô hình lúa - cá, lúa - tôm, ốc, cua hoặc chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả đang được mở rộng và khẳng định hiệu quả ở nhiều xã. Phương thức canh tác tương hỗ này góp phần tự cân bằng môi trường đất, nước, đặc biệt trong trồng trọt, không gây áp lực về thời vụ, thích hợp với những khu vực khó khăn về lao động nông nghiệp.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin: Các mô hình làm điểm của Trung tâm về sản xuất tuần hoàn đã phát huy hiệu quả và có sự lan tỏa lớn. Hàng nghìn điểm sản xuất theo phương thức này đang tạo nên sự đa dạng trong canh tác nông nghiệp sinh thái của Hà Nội. Nông dân có lợi nhuận từ việc gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí tài nguyên, chi phí lao động…
Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cùng với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chuyên canh hàng hóa..., Hà Nội đang thúc đẩy các mô hình sản xuất tuần hoàn, thuận theo tự nhiên. Thời gian tới, đối với từng loại hình sản xuất, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng hành lang kỹ thuật và phổ biến rộng rãi để các hộ nông dân có thể áp dụng thông qua các mô hình khuyến nông mới. Mỗi năm, các địa phương của Hà Nội sẽ có 1-5 mô hình sản xuất tuần hoàn điểm, phù hợp với địa hình canh tác, tập quán sản xuất của người dân... làm cơ sở để nhân rộng.
Tận dụng tối đa phụ phẩm trong nông nghiệp để tái phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp giảm chi phí “đầu vào” cho sản xuất mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân… Trong bối cảnh hiện tại, hướng đi này mang lại hiệu quả kép cho ngành Nông nghiệp Thủ đô.