Người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm của chuyển đổi số
Chính trị - Ngày đăng : 13:15, 20/04/2022
Dự phiên họp tại điểm cầu thành phố có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Các quận, huyện, thị xã tham dự phiên họp tại điểm cầu địa phương.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo dự thảo kế hoạch “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025” và kế hoạch năm 2022; Đề án "Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Kế hoạch “Phát triển kinh tế số thành phố Hà Nội đến năm 2025”. Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng rà soát tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) trên địa bàn thành phố.
Thảo luận tại phiên họp, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã đóng góp ý kiến vào các kế hoạch, đề án, đồng thời, đề xuất một số nội dung thực hiện trong năm 2022. Đáng chú ý, với thực tế giao thoa lĩnh vực, dễ dẫn đến chồng chéo, đan xen trong thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất gộp 3 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo Đề án 06 thành phố thành một Ban Chỉ đạo chung nhằm bảo đảm công tác điều hành tập trung. Đồng thời, đề xuất đề ra các mốc thời gian cụ thể để các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số thành phố đến năm 2025, cần rà soát, cụ thể hóa, đưa ra lộ trình các nhiệm vụ để đơn vị đo lường được khối lượng công việc, bảo đảm kết quả thực hiện.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, triển khai chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, Phó Chủ tịch UBND thành phố nhận định, công nghệ có thể thay đổi nhưng dữ liệu gốc vẫn còn. “Công tác quản trị dữ liệu là “linh hồn” của chuyển đổi số, do đó, cần tập trung bảo đảm hiệu quả khâu này”, đồng chí Chử Xuân Dũng nêu rõ và nhấn mạnh vai trò, vị trí của người đứng đầu các đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đề nghị, cần đánh giá xếp hạng công tác chuyển đổi số hằng năm của các đơn vị, địa phương.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đối với Thủ đô còn là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực đối với các cấp, ngành, địa phương. “Đích của chuyển đổi số phải hướng tới kết quả cụ thể, thực chất, người dân và doanh nghiệp phải là trung tâm”, đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu, quá trình thực hiện chuyển đổi số phải bảo đảm đồng bộ, nhất quán, thể chế và nghiệp vụ phải đi trước một bước. Bên cạnh đó, công tác triển khai toàn bộ nền tảng chính quyền số phải thông suốt theo kiến trúc tổng thể để bảo đảm hiệu quả đầu tư; hệ thống nền tảng dùng chung bảo đảm tích hợp các yêu cầu chuyên môn của các đơn vị.
“Yêu cầu xuyên suốt là đẩy mạnh quản trị công dựa trên dữ liệu hỗ trợ điều hành, tiến tới thành phố chuyển đổi số, thành phố thông minh”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh và cho rằng, tinh thần này phải được thể hiện trong các kế hoạch, được cụ thể hóa triển khai trong thực tế.
Về dự thảo các kế hoạch, đề án, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu, Sở Thông tin và Truyền thông (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo trình Ban chỉ đạo xem xét, ban hành. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm, đầu việc cụ thể của các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện.
Đối với việc thực hiện Đề án 06, đồng chí Chu Ngọc Anh đề nghị, tiếp tục phát huy trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức thực hiện, đồng thời, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo ngay về thành phố giải quyết, báo cáo Ban Chỉ đạo trung ương các nội dung vượt thẩm quyền. Chủ tịch UBND thành phố cũng đồng tình với việc tích hợp 3 Ban Chỉ đạo thành phố, giao các cơ quan liên quan tham mưu sớm kiện toàn, thống nhất tổ chức để bảo đảm hiệu quả hoạt động.