Vì sự phát triển Thủ đô
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 21/04/2022
Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp của thành phố gần đây cho thấy một điểm chung nổi bật là nội dung, chương trình giảng dạy rất thiết thực, đi sâu vào bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhiều vấn đề mới, quan trọng cho sự phát triển Thủ đô đã được cập nhật, truyền đạt tại các lớp học, qua đó giúp đội ngũ cán bộ có góc nhìn đa chiều và áp dụng hiệu quả tại địa phương, đơn vị mình.
Đặc biệt, thành phố và các quận, huyện, thị xã rất quan tâm đến việc chọn lựa đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu của công tác cán bộ hiện nay. Vì thế, ngoài đội ngũ cán bộ cấp sở, ngành, quận, huyện, thị xã, thành phố coi trọng, trực tiếp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng công tác ở nơi gần dân nhất.
Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có tư duy, khát vọng đổi mới, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu trong công tác cán bộ của Đảng bộ Thủ đô. Theo đó, trong Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17-3-2021 về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 có 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên…
Cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, hiện Thành ủy Hà Nội và các tổ chức Đảng trực thuộc đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, kế hoạch thực hiện. Theo đó, cùng với triển khai hiệu quả chỉ đạo chung của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần rà soát, căn cứ thực tiễn công tác cán bộ để đề cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Các đơn vị chuyên môn của thành phố cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, tham mưu với cấp có thẩm quyền đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trong đó cần chú trọng những mảng chuyên đề có tính thời sự, chương trình thiết kế riêng theo từng đối tượng; sử dụng phương thức giảng dạy, học tập, chú trọng trang bị kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin… Mục tiêu là phải nâng cao năng lực làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ nhân dân tận tình của đội ngũ cán bộ.
Đội ngũ cán bộ cần chủ động đề xuất, nghiêm túc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để tiếp thu đầy đủ hệ thống kiến thức, từ đó vận dụng hiệu quả vào thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị mình.
Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để tạo nhận thức chung là đồng hành vì sự phát triển của Thủ đô.