Hà Nội chú trọng đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 18:02, 21/04/2022
Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cùng đại diện lãnh đạo các vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiếp và làm việc với Đoàn kiểm tra, về phía thành phố Hà Nội có: Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan của thành phố.
Xây dựng môi trường văn hóa trong mỗi gia đình
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai trình bày báo cáo cho biết, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ của Thủ đô đạt những kết quả nổi bật. Cụ thể, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện luôn được quan tâm hàng đầu; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được chú trọng; việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế được quan tâm. Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động văn hóa được nâng cao; việc phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến rõ nét...
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã cụ thể hóa thông qua việc chủ động xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
“Song song với phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Chủ trương từng bước xây dựng nền tảng phát triển, phát huy đặc trưng của công nghiệp văn hóa là “công nghiệp” và “sáng tạo”, làm đòn bẩy cho việc mở rộng và phát triển thị trường văn hóa Thủ đô, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa uy tín, chất lượng và hấp dẫn trên thị trường”, đồng chí Bùi Huyền Mai cho biết.
Về nhiệm vụ thời gian tới, theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng thôn, làng, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình. Cùng với đó là tận dụng tối đa các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước, quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, các thành viên Đoàn kiểm tra cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về việc triển khai, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua cũng như các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Các đại biểu cũng trao đổi về các kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; hoạt động của các thiết chế văn hóa trên địa bàn cho hiệu quả…
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, việc Đoàn kiểm tra Trung ương lựa chọn Hà Nội để khảo sát về lĩnh vực văn hóa sẽ cho thấy bức tranh toàn cảnh về phát triển văn hóa của cả nước, trong đó có cả những thuận lợi, khó khăn cũng như các cơ hội, tiềm năng phát triển. Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, với vị trí, vai trò quan trọng so với cả nước, đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về phát triển Thủ đô, trong đó có lĩnh vực văn hóa cũng như con người Hà Nội.
“Thực tiễn 35 năm đổi mới cho thấy, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, việc đầu tư nguồn lực để xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa luôn được thành phố Hà Nội quan tâm. Bên cạnh đó, thành phố cũng gặp những khó khăn, thách thức như các tỉnh, thành phố khác khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công về văn hóa, xây dựng và khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa”, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng nêu các kiến nghị, đề xuất của thành phố Hà Nội với Ban Tuyên giáo Trung ương để triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ trên địa bàn thành phố thời gian tới.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho rằng, cần có định hướng về công tác tuyên truyền cũng như tổ chức cho các sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc tế diễn ra trên địa bàn Hà Nội; có các quỹ phát triển văn hóa để hỗ trợ các hoạt động văn hóa truyền thống...
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phong, để công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa, việc tập trung đầu tư, tháo gỡ những khó khăn về cơ chế cần được chú trọng hơn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, công tác văn hóa - văn nghệ của Hà Nội rất phong phú đa dạng, tiêu biểu cho cả nước. Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo, nghị quyết, đưa văn hóa vào cuộc sống. Cùng với đó, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả nội dung này; liên tục nhiều khóa đều có chương trình công tác lớn dành riêng cho phát triển văn hóa.
Đáng lưu ý, Hà Nội là địa phương đầu tiên có nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa và tiên phong triển khai phát triển văn hóa, thực hiện mục tiêu kép, vừa phát huy văn hóa ngàn năm, vừa đưa văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn, coi đây là bước tiến đột phá, quan trọng. Thành phố cũng đã kiên trì trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, quan tâm tới an sinh xã hội từ thành thị tới nông thôn; công tác phát triển nguồn nhân lực văn nghệ sĩ, trí thức được quan tâm; đẩy mạnh giao lưu hợp tác, quảng bá hình ảnh với các nước trên thế giới...
Chúc mừng những thành tích, kết quả Hà Nội đã đạt được trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, đồng chí Trần Thanh Lâm cũng chỉ ra những tồn tại thách thức, trong đó, những chuyển biến vẫn chưa xứng tầm, sự sa sút trong văn hóa ứng xử của một bộ phận giới trẻ còn đáng lo ngại; nhiều thiết chế văn hóa hiệu quả sử dụng chưa cao, gây lãng phí... Khẳng định những khó khăn, thách thức này không phải chỉ riêng của Hà Nội, đồng chí yêu cầu thời gian tới, Hà Nội quan tâm triển khai đồng bộ các chương trình hành động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; cập nhật thêm kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị.
Cùng với đó, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy lòng tự hào, tự trọng, niềm tin yêu, trách nhiệm với Hà Nội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ; kiên trì thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật...
“Hà Nội cũng cần tiếp tục bám sát các yêu cầu nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ và chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa để khai thác tiềm năng, giá trị đặc sắc của văn hóa Thủ đô, góp phần phát triển kinh tế và hình ảnh Việt Nam ra thế giới”, đồng chí Trần Thanh Lâm nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu Hà Nội quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành thuộc lĩnh vực này; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất, phổ biến các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; tập trung nghiên cứu giải pháp hài hòa giữa văn hóa truyền thống. Đặc biệt là quan tâm bồi dưỡng đội ngũ tài năng nghệ thuật của Thủ đô và đất nước để họ tiếp tục sáng tạo những tác phẩm chất lượng cao. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của báo chí Thủ đô vào sự phát triển của văn hóa - văn nghệ...