Nâng hiệu quả chính sách xử lý nợ xấu
Tài chính - Ngày đăng : 06:21, 21/04/2022
Nợ xấu có nguy cơ tăng
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là 412.700 tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm nghị quyết có hiệu lực (ngày 15-8-2017). Kết quả xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thông qua hình thức khách hàng tự trả nợ là 148.000 tỷ đồng, chiếm 38,93% tổng nợ xấu, trong khi tỷ lệ này trong giai đoạn 2012-2017 là khoảng 22,8%. Kết quả xử lý, bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng và công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 77.195 tỷ đồng, chiếm 20,3% tổng nợ xấu đã được xử lý, trong khi lũy kế từ năm 2012 đến 2017 chỉ đạt 19.524 tỷ đồng.
Kết quả trên cho thấy, việc Nghị quyết số 42/2017/QH14 ra đời đã tạo hành lang pháp lý cũng như chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu hiệu quả. Tuy nhiên, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-8-2022. Khi đó, các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu. Dự kiến nợ xấu có thể tăng lên mức 430.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022 và 453.000 tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào nguy cơ không thể trả nợ vay ngân hàng, nên không ít khoản nợ sẽ trở thành nợ xấu. Trong bối cảnh những khoản nợ xấu trước đây chưa được xử lý hoàn toàn, nếu tiếp tục phát sinh thêm, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đánh giá, vấn đề nợ xấu có thể trở thành tâm điểm của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, khi tỷ lệ nợ xấu gộp đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, có thể phá vỡ thành quả tái cơ cấu các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.
Kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31-12-2023; đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần sớm luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 để tạo hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu đồng bộ, dài hạn. Cùng với đó, giải pháp xử lý nợ xấu được các ngân hàng đặt ra chính là tập trung cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, chú trọng tới các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, hạn chế cho vay với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, toàn bộ dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được trích lập dự phòng sớm trước 2 năm so với thời hạn Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì ở mức cao là 163%, mặc dù tới 92% các khoản vay có tài sản bảo đảm. Việc lựa chọn khách hàng để cho vay cũng theo hướng thận trọng, hạn chế rủi ro.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) Trần Minh Đạt, bản chất không chỉ câu chuyện thu hồi nợ, mà còn là quá trình lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực cho vay, giám sát, kiểm tra sử dụng vốn đúng mục đích… Khi đã cẩn trọng ngay từ đầu, nợ xấu sẽ ít phát sinh và ngay cả khi có rủi ro, doanh nghiệp dùng vốn đúng mục đích cũng không bị mất hết vốn.
Tín hiệu khả quan là chính sách phòng, chống dịch phát huy hiệu quả, Chính phủ cũng đang tập trung các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi, phát triển kinh tế, nhờ đó nhu cầu vay vốn tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022 giúp lợi nhuận của các ngân hàng tăng bình quân khoảng 25-27% so với cùng kỳ năm 2021. Phó Giám đốc Trung tâm SSI Research (Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn) Phạm Lưu Hưng cho hay, các ngân hàng đều duy trì được lợi nhuận ổn định, doanh nghiệp phục hồi sản xuất hiệu quả là nguồn lực quan trọng để xử lý nợ xấu thuận lợi.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ phát sinh, Ngân hàng Nhà nước luôn giám sát, đôn đốc các ngân hàng hướng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời siết vốn tín dụng với các lĩnh vực rủi ro. Cùng với đó, các ngân hàng phải bảo đảm các chuẩn cho vay và sử dụng hiệu quả vốn vay.