Hà Nội triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 215 trường tiểu học
Xã hội - Ngày đăng : 11:06, 22/04/2022
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin; trung bình 1 ngày cung cấp 117.024 suất ăn.
Bà Lê Thị Hằng, đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học còn tồn tại một số thực trạng như nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ; ý thức thực hành an toàn thực phẩm của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, cô nuôi còn chưa cao…, đặt biệt là tình trạng ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học vẫn xảy ra.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2010 đến năm 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc nhưng không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học (chiếm tỷ lệ 47,1%). Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật chiếm trên 40%.
Trước thực tế trên, trong năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu, 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm; niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường. Ngoài ra, 100% người lãnh đạo quản lý, người chế biến, người kinh doanh, cô nuôi tại các trường tiểu học xây dựng mô hình được bồi dưỡng kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được kiểm tra, giám sát theo quy định và thành lập tổ tự giám sát an toàn thực phẩm, có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, cơ quan chuyên môn sẽ tiếp tục tập trung vào việc rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn 1 chiều, yếu tố con người…, nhất là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.
Từ mô hình nêu trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho rằng, thành phố đặt ra mục tiêu, tăng cường công tác quản lý, chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, từ đó khống chế không để ngộ độc thực phẩm đông người mắc và tử vong. Mô hình sau khi được triển khai tại 10 quận, huyện sẽ làm cơ sở để nhân rộng tại các bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Hà Nội triển khai mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học vào thời điểm này là vô cùng phù hợp, nhất là ngay sau khi học sinh trở lại trường sau một thời gian dài ở nhà học trực tuyến do dịch Covid-19.