Mỹ khởi động Chương trình tín dụng hạt nhân: ''Chìa khóa'' của nguồn năng lượng không carbon

Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 22/04/2022

(HNM) - Bên cạnh sức ép từ cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng, giới chức Mỹ cho rằng năng lượng hạt nhân rất quan trọng. Đây là nguồn năng lượng không có carbon (CO2) có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu hiện nay. Do đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động Chương trình tín dụng hạt nhân trị giá 6 tỷ USD, được coi là "chìa khóa" để giải cứu các nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ đóng cửa.

Nhà máy điện hạt nhân Indian Point ở New York (Mỹ) đã đóng cửa từ năm 2021.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ (DOE), ngành điện hạt nhân với 93 lò phản ứng hoạt động ở 28 bang đã cung cấp hơn 50% lượng điện sạch không phát thải CO2 cho quốc gia này. Tuy nhiên, ngành điện hạt nhân đang gặp nhiều thách thức như 12 lò phản ứng đã bị đóng cửa từ năm 2013 trước sự cạnh tranh với năng lượng tái tạo và các nhà máy sử dụng khí đốt tự nhiên, hoạt động thua lỗ lớn do giá điện thấp và chi phí leo thang. Chi phí bảo đảm an toàn tại các nhà máy điện đã tăng vọt kể từ sau sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011 và các vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11-9-2001. Cùng với đó là những khó khăn trong việc xử lý lượng chất thải độc hại của ngành công nghiệp này hiện đang được lưu trữ tại các nhà máy ở khắp 28 bang...

DOE đưa ra số liệu cho thấy, chủ sở hữu của 7 lò phản ứng hạt nhân hiện đang vận hành đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động vào năm 2025. Ngoài ra, hầu hết các nhà máy hạt nhân của Mỹ đều được xây dựng từ năm 1970 đến năm 1990 nên việc vận hành sẽ tốn nhiều chi phí hơn. Trong khi đó, nhà máy hạt nhân duy nhất đang được xây dựng là ở bang Georgia. Quyền Trợ lý thư ký về năng lượng hạt nhân tại DOE Andrew Griffith cho biết, nếu các lò phản ứng đóng cửa trước khi giấy phép hết hạn, các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ lấp đầy khoảng trống và lượng khí thải sẽ tăng lên.

Khi biến đổi khí hậu thúc đẩy các bang ở Mỹ cắt giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các nhà khoa học kết luận rằng năng lượng mặt trời, gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác có thể không đủ để duy trì các hoạt động cần đến điện. Điện hạt nhân đã nổi lên như một câu trả lời để lấp đầy khoảng trống này. Mối quan tâm mới đến hạt nhân xuất hiện khi nhiều công ty đang phát triển các lò phản ứng nhỏ và rẻ hơn có thể bổ sung vào lưới điện trong các cộng đồng trên khắp nước Mỹ. Vì thế, Chương trình tín dụng hạt nhân trị giá 6 tỷ USD sẽ tiếp nhận đơn đăng ký của các chủ sở hữu nhà máy điện hạt nhân nằm trong diện được hỗ trợ đầu tiên đến ngày 19-5. Chương trình này được thiết kế nhằm giúp đỡ các nhà máy hạt nhân nằm ở những bang có thị trường điện cạnh tranh cao, nhận tài trợ theo dự luật cơ sở hạ tầng đã thông qua năm 2021.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết, việc duy trì nhà máy hạt nhân là cần thiết để giúp đáp ứng các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, bao gồm lưới điện không CO2 vào năm 2035 và đạt được nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ phân phối 6 tỷ USD trên theo từng giai đoạn. Theo đó, DOE sẽ được tài trợ 1,2 tỷ USD trong 4 năm tới và vòng phân phối quỹ cuối cùng sẽ kết thúc vào năm 2035.

Năng lượng hạt nhân đi kèm với những vấn đề tiềm ẩn của riêng nó. Song, những người ủng hộ cho rằng, rủi ro có thể được giảm thiểu và năng lượng hạt nhân sẽ rất cần thiết để ổn định nguồn cung cấp năng lượng khi thế giới cố gắng tránh xa các nhiên liệu hóa thạch thải ra CO2. Do vậy, Chương trình tín dụng hạt nhân được kỳ vọng sẽ duy trì hoạt động của các lò phản ứng, giúp bảo toàn việc làm cho người dân Mỹ, giảm lượng khí phát thải và thúc đẩy an ninh năng lượng cho cường quốc số một thế giới.

Thùy Dương