Chủ động thu hút ngoại lực

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:15, 23/04/2022

(HNM) - Một kết quả được đánh giá cao trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I-2022 là tỷ lệ vốn giải ngân tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021 (số vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ USD trong tổng số 8,91 tỷ USD đăng ký). Đây là mức giải ngân tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Vốn giải ngân tăng là yếu tố đặc biệt tích cực trong đầu tư, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư đã được hiện thực hóa bằng dự án cụ thể. Nền kinh tế có thêm nguồn lực gia tăng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, góp phần ổn định xã hội..., từ đó kích thích kinh tế - xã hội phát triển. Nguồn lực này vô cùng quý khi xét trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang vật lộn với khó khăn do dịch Covid-19 gây ra suốt hơn 2 năm qua, nay lại tiếp tục đối mặt với bất ổn địa chính trị. Còn trong nước, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế đang cần được đẩy nhanh hơn.

Nguồn vốn giải ngân tăng còn chứng tỏ nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư ổn định, nhiều tiềm năng. Sự ổn định về chính trị, đồng thuận xã hội cao và vị trí địa lý thuận lợi cho trung chuyển, xuất khẩu hàng hóa vẫn là lợi thế nổi trội. Việc nước ta sớm mở cửa trở lại nền kinh tế, cùng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ và khả năng phục hồi, thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp nội địa cũng là điểm cộng hấp dẫn nguồn đầu tư quốc tế.

Dù còn khó khăn song các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đều có cái nhìn lạc quan về dòng vốn FDI. Cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài cũng tin tưởng về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Sẽ có nhiều dự án quy mô lớn, chất lượng cao của các tập đoàn hàng đầu thế giới đến nước ta. Xu hướng tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện ngày càng rõ nét. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương cần phát huy lợi thế, nắm bắt cơ hội. "Thảm đỏ" mời nhà đầu tư chính là không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; là phát triển hạ tầng giao thông kết nối giao thương, phát triển hạ tầng khu công nghiệp tạo mặt bằng sản xuất, phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư với chi phí cạnh tranh...

Câu chuyện thu hút FDI trong thời gian tới còn là sự chủ động. Việt Nam đã tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với lợi thế gia tăng xuất khẩu. Đây là cơ hội để nhà đầu tư tận dụng, chọn Việt Nam đặt cứ điểm sản xuất. Vì thế, Việt Nam phải chủ động cải cách thể chế, chủ động thay đổi chính sách theo hướng tạo sân chơi minh bạch, tạo thị trường có sức hấp dẫn để đón các dòng vốn đầu tư từ nhiều nơi trên thế giới. Mặt khác là chủ động xây dựng chiến lược thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, hướng đến giá trị công nghệ cao, xanh, thân thiện môi trường, có tính lan tỏa, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển, thay vì thâm dụng tài nguyên, chuyển giao công nghệ cũ hay sử dụng nhiều lao động giá rẻ. Bên cạnh đó là cần chủ động ngăn ngừa, loại bỏ những dự án kinh doanh kém hiệu quả, "lỗ giả, lãi thật", nhà đầu tư không có đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Chính phủ đã xác định không thu hút FDI bằng mọi giá. Điều đó có nghĩa không phải số lượng vốn đăng ký mà là các doanh nghiệp FDI đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế mới là giá trị tham chiếu hiệu quả. Muốn vậy, cần xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp FDI, đồng thời hình thành cơ chế khuyến khích thu hút nguồn ngoại lực này đúng hướng đã đề ra.

Gia Khánh