Bác sĩ tại nhà: Giảm áp lực căng thẳng cho trẻ sau khi mắc Covid-19

Sức khỏe - Ngày đăng : 20:00, 23/04/2022

(HNMCT) - Hỏi: Sau khi mắc Covid-19 và khỏi được hơn một tuần thì con tôi đi học trở lại. Tuy nhiên, cháu thường xuyên bị mệt mỏi, đau đầu, trí nhớ giảm sút, và hay căng thẳng khi phải làm nhiều bài tập về nhà. Xin hỏi bác sĩ, tôi nên làm gì để giúp con giải tỏa tâm lý? Trịnh Thu Hồng (đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Đáp: Để giải tỏa tâm lý cho con trong học tập, điều quan trọng là cha mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kỳ vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ.

Cha mẹ nên biết nguyện vọng của con như thế nào để hướng con đi đúng theo sở thích, đam mê của con. Đặc biệt, đừng cố áp đặt con theo mong muốn của cha mẹ. Người lớn nên dành nhiều thời gian để lắng nghe con, giải thích để con hiểu và dẫn dắt con đi đúng hướng. Tuyệt đối đừng vì bất lực, nóng giận mà nói ra những lời nhục mạ, xúc phạm, thậm chí là bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần trẻ. Thay vào đó, hãy động viên, đừng nên phán xét những lỗi sai, những mục tiêu, cố gắng mà trẻ đang hướng đến.

Nhiều trường hợp cha mẹ luôn coi mình là đúng, không biết động viên mà lại áp đặt. Ví dụ như khi con muốn thử làm một điều mới mẻ, thay vì khích lệ thì người cha lại nói “không thành công đâu, làm làm gì mất thời gian, con tập trung học đi”, hay khi con muốn tập thể thao để giảm cân thì lại nhận được phản hồi của cha mẹ là “khó lắm, đừng mất thời gian”... Những điều này làm trẻ hụt hẫng, không cảm nhận được sự tin tưởng, đồng cảm và thấu hiểu từ gia đình. Đây là điều rất không tốt cho sự phát triển của trẻ. Bố mẹ hãy lắng nghe trẻ nhiều hơn.

Khi trẻ đi học trở lại, nhà trường cần tạo cho trẻ môi trường học tập thân thiện với sự quan tâm, đồng hành của giáo viên. Các trường học nên có phòng tư vấn tâm lý để kịp thời nắm bắt, tư vấn, giúp đỡ trẻ khi các em gặp vướng mắc trong cuộc sống.

Thời gian qua có một số vụ trẻ em tự tử khiến nhiều người lo lắng. Mặc dù nguyên nhân dẫn đến tự tử rất đa dạng nhưng chúng ta có thể đề phòng được bằng cách theo dõi, quan sát một cách tế nhị, có cách xử lý kịp thời, phù hợp dựa trên tình yêu, sự cảm thông, chia sẻ.

Tiến sĩ Ngô Anh Vinh