Môn lịch sử ở chương trình mới có thời lượng nhiều hơn so với hiện hành
Giáo dục - Ngày đăng : 14:55, 23/04/2022
Lịch sử là nội dung bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9
Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, quy định: Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân từ ngày 12-4-2017 đến ngày 20-5-2017. Dự thảo chương trình các môn học được đăng công khai để xin ý kiến toàn dân từ ngày 19-1-2018 đến ngày 19-3-2018. Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành ngày 26-12-2018.
Theo đó, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), lịch sử là nội dung bắt buộc. Cụ thể, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học tự nhiên và xã hội với tổng thời lượng là 210 tiết (so với chương trình hiện hành chỉ có 140 tiết); ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn lịch sử và địa lý với tổng số 140 tiết.
Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn lịch sử và địa lí và là môn học bắt buộc từ lớp 6 đến lớp 9 với tổng số 420 tiết.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử còn được thực hiện trong môn đạo đức (cấp tiểu học), môn giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở), nội dung giáo dục của địa phương với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Như vậy, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.
Tăng số tiết lịch sử ở cấp trung học phổ thông
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học (nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn là lịch sử, địa lý, kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn vật lý, hóa học, sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn tin học, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật), trong đó, mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Như vậy, môn lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông.
Chương trình môn lịch sử cấp trung học phổ thông có tổng thời lượng 315 tiết (so với chương trình hiện hành là 140 tiết), củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.
Ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử còn được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Bên cạnh đó, môn giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó có nội dung giáo dục học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Ngoài tổng giờ được học nội dung giáo dục lịch sử trong các môn được gia tăng, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác một cách phong phú, thực tiễn và toàn diện hơn.
Sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.
Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục có biện pháp định hướng, hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.