Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022: Hướng tới phục hồi xanh và bền vững
Thế giới - Ngày đăng : 07:17, 23/04/2022
Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 có nội dung xoay quanh 6 vấn đề, với hơn 30 hoạt động. Bên cạnh trọng tâm là phục hồi xanh và phát triển bền vững, diễn đàn tập trung thảo luận về tình hình dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu, kinh tế kỹ thuật số, hợp tác và quản trị toàn cầu, tiến bộ của hợp tác khu vực châu Á.
Mong muốn nỗ lực phục hồi và phát triển bền vững toát lên qua báo cáo chính thức của diễn đàn. Với chủ đề “Sự phát triển bền vững: Báo cáo thường niên châu Á và thế giới 2022”, văn kiện này ghi nhận tới hết năm 2021 đã có 25 nước châu Á cam kết giảm phát thải ròng về 0, đồng thời áp dụng nhiều biện pháp để đạt được mục tiêu này, gồm thành lập các ủy ban và nhóm lãnh đạo cấp cao giám sát quá trình xây dựng và thực hiện ở cấp quốc gia, thiết lập hệ thống giao dịch carbon, tìm cách huy động nguồn tài trợ toàn cầu cho quỹ phát triển xanh và bền vững…
Số liệu từ Sáng kiến chính sách khí hậu cho thấy, mức chi ứng phó biến đổi khí hậu của châu Á đến hết năm 2020 chiếm khoảng 50% ngân sách toàn cầu, cao hơn so với 17% của khu vực Tây Âu và 13% của Mỹ và Canada. Nhiều doanh nghiệp tại châu Á cũng tích cực áp dụng đa dạng phương thức chuyển đổi xanh, như sử dụng năng lượng tái tạo và thiết lập cấu trúc quản trị bền vững.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, đại dịch Covid-19 đã xói mòn nghiêm trọng những thành quả mà thế giới đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo suốt thập niên qua, trong khi sự phục hồi không đồng đều làm trầm trọng tình trạng bất bình đẳng trên toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở; chỉ ra sự cần thiết đẩy mạnh nỗ lực để đi đầu trong xu hướng chủ đạo của toàn cầu hóa kinh tế...
Những chia sẻ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận được sự quan tâm, nhất là khi phát biểu của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, tình trạng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại có thể tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, do đó nỗ lực của Bắc Kinh sẽ có ý nghĩa then chốt. Hiện nay, theo nhiều dự báo, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 4,4% trong năm nay do dịch bệnh, thấp hơn nhiều so với mục tiêu gần 5,5% mà nền kinh tế số một châu Á đang theo đuổi.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng tin tưởng “đầu tàu” kinh tế châu Á có nhiều công cụ để hạn chế khó khăn, bao gồm cả việc hướng hoạt động kinh tế sang các ngành có mức phát thải carbon thấp. Tiến trình này Trung Quốc có thế mạnh lớn khi đang nắm giữ nhiều giải pháp phát triển bền vững, thể hiện qua hơn 300 phương tiện năng lượng mới và thiết bị sạc được trưng bày dịp này. Trong bối cảnh đó, diễn đàn lạc quan về việc tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Á năm nay được duy trì bất chấp đại dịch đã gây ra những tổn thất nặng nề, ước tính đạt 5,2%. Tuy nhiên, một số thảo luận cũng muốn xác lập vai trò cụ thể hơn của các chính phủ, doanh nghiệp, cũng như việc hình thành những quy chuẩn hỗ trợ tài chính trong nỗ lực chung về trung hòa phát thải carbon.
Với nội dung mang tính thời sự và rất thiết thực, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2022 tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những kênh đối thoại quan trọng của khu vực trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi nguồn lực và định hướng hợp tác, ứng phó thách thức chung.