“Nở rộ” hoạt động giao lưu văn hóa dịp 30-4 và 1-5
Văn hóa - Ngày đăng : 16:38, 24/04/2022
Khai thác thế mạnh di sản
Sau một thời gian dài ấp ủ những dự định, kế hoạch, ngày 30-4 tới đây, thị xã Sơn Tây sẽ khởi động tuyến phố đi bộ gắn với di tích Thành cổ Sơn Tây - tòa thành quân sự bằng đá ong độc đáo nhất đất nước.
Tuyến phố đi bộ kéo dài từ phố Phó Đức Chính đến phố Nguyễn Thái Học, có tổng diện tích hơn 34 nghìn m2, hoạt động từ 19h thứ bảy đến 12h chủ nhật hằng tuần. Tại khung giờ này, tuyến phố sẽ có rất nhiều hoạt động quảng bá và giao lưu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn được tổ chức, như: Biểu diễn nghệ thuật dân gian - đương đại; triển lãm tranh, sách, ảnh; trình diễn thư pháp; đua thuyền; đấu vật; cờ vua; cờ tướng; trò chơi dân gian…
Ông Nguyễn Quang Hán, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây cho biết: Hiện tại, công tác chuẩn bị cho khai mạc tuyến phố đi bộ Thành cổ đã cơ bản hoàn tất, cùng kỳ vọng mang đến sức hấp dẫn cho điểm đến di sản nói riêng, chuỗi du lịch di sản “Thành cổ - Văn Miếu - Đền Và - Đường Lâm” nói chung.
Trước đó, nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa khu phố cổ Hà Nội cũng đồng loạt khởi động chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và Ngày Quốc tế lao động 1-5. Chuỗi hoạt động kéo dài đến hết ngày 31-5, tập trung tôn vinh nghề thủ công truyền thống tạo tác nhạc cụ dân tộc cũng như các khu phố nghề, phường nghề trong 36 phố phường Thăng Long - Hà Nội. Có thể kể đến, triển lãm “Đào Xá - Giữ hồn thanh âm Việt” tại đình Kim Ngân, số 42-44 phố Hàng Bạc; triển lãm ảnh tư liệu “Nhạc công và âm nhạc cổ truyền Việt Nam” tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ; trưng bày “Ký ức 22 Hàng Buồm” và “Ký ức sông Tô” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật - Hội quán Quảng Đông, số 22 phố Hàng Buồm…
Trong dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội còn tổ chức không gian sắp đặt các hiện vật thời bao cấp, tái hiện một thời kỳ khó khăn nhưng đáng nhớ, đáng trân trọng của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Với những người yêu thích các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và đương đại, có thể tìm đến nhiều điểm biểu diễn mở trong Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận vào các ngày cuối tuần, hay những người theo chủ nghĩa “xê dịch” có thể tìm kiếm thông tin miền đất mới qua chương trình quảng bá du lịch Phú Yên - Hà Nội tại Trung tâm Thông tin di sản phố cổ Hà Nội - đền Quan Đế, số 28 phố Hàng Buồm. Theo bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, chuỗi hoạt động văn hóa được tổ chức, nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Khu phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; đồng thời tăng cường hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa
Cùng với Thành cổ Sơn Tây và Khu phố cổ Hà Nội, nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa trên địa bàn Thủ đô cũng tung ra nhiều chương trình tham quan, trải nghiệm độc đáo, gắn với thế mạnh riêng có.
Có thể kể đến, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với triển lãm chuyên đề “Ký họa kháng chiến miền Nam” giới thiệu 70 tác phẩm ký họa, sáng tác trực tiếp trên chiến trường miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, đã phản ánh chân thực, đầy cảm xúc về con người, cuộc sống, vùng đất và cuộc chiến tranh cam go của quân và dân ta qua các chất liệu màu nước, bột màu, bút sắt, chì…
Cũng với mục đích tôn vinh và giáo dục truyền thống, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long khởi động trở lại tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” với nhiều bổ sung, cải tiến hấp dẫn.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục duy trì các chương trình trải nghiệm di sản “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt”, “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc thông qua việc tìm hiểu văn hóa dân tộc, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, trải nghiệm trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc Dao, Mông, Thái, Tày, Nùng...
Với những người không có điều kiện tham quan, trải nghiệm trực tiếp, các tour trải nghiệm bằng công nghệ sẽ là lựa chọn hữu ích, như: Trưng bày online “Lời thề quyết tử” của di tích Nhà tù Hỏa Lò; Triển lãm trực tuyến “Ký ức chợ xưa” của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I…
Theo bà Lã Thị Thủy, Phòng Truyền thông, di tích Nhà tù Hỏa Lò, từ sau khi di tích mở cửa trở lại, các chương trình trải nghiệm di sản thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng và du khách, nhất là các bạn trẻ. Còn 1 tuần nữa mới chính thức kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 nhưng đến giờ, 2 chương trình trên đã kín chỗ đặt trước đến giữa tháng 5, cho thấy người trẻ luôn rất quan tâm tới lịch sử, văn hóa truyền thống đất nước.