Khi hạ tầng chưa được giảm tải
Giao thông - Ngày đăng : 06:10, 24/04/2022
Ùn tắc vẫn hoàn ùn tắc
Trong nhiều năm qua, Thành phố Hà Nội đã kiên trì thực hiện 6 nhóm giải pháp đồng bộ nhằm từng bước giảm ùn tắc giao thông. Mục tiêu mỗi năm Thành phố xử lý được 8 - 10 điểm ùn tắc, đồng thời không để phát sinh điểm ùn tắc mới và không để thời gian ùn tắc kéo dài trên 30 phút.
Theo đó, Hà Nội tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo kết nối đồng bộ các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, các cầu qua sông và các tuyến có tính liên vùng, các công trình cấp bách. Đây là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững. Tiếp theo là tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý, phù hợp tình hình thực tế, phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông hiện có (đây là nhóm giải pháp thường xuyên). Nhóm giải pháp được quan tâm, trở thành điểm sáng của cả nước trong thời gian qua là phát triển đồng bộ mạng lưới vận tải hành khách công cộng. Nhóm giải pháp mang tính đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Để đảm bảo an toàn giao thông bền vững, thành phố quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về an toàn giao thông vào hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên. Kèm theo đó là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần nâng cao hiệu quả răn đe, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông.
Có thể khẳng định, các nhóm giải pháp nói trên là khoa học, phù hợp. Tuy nhiên, từ hiện trạng giao thông Thủ đô, có thể thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song kết quả chống ùn tắc chưa bền vững. Ùn tắc giao thông vẫn đang diễn biến phức tạp. Minh chứng là trong năm 2019, Hà Nội xóa được 10 điểm ùn tắc nhưng lại xuất hiện thêm 10 điểm ùn tắc mới. Năm 2020, Hà Nội tồn tại 33 điểm ùn tắc rồi tăng lên thành 37 điểm ùn tắc vào đầu năm 2021. Cả năm 2021, Hà Nội xử lý được 8/37 điểm ùn tắc nhưng đến cuối năm này lại phát sinh thêm 6 điểm, nâng tổng số thành 35 điểm. Trong 3 tháng đầu năm 2022, chỉ có 1 điểm ùn tắc là nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ (quận Hoàng Mai) được xử lý triệt để thông qua việc lắp đặt bổ sung hệ thống đèn tín hiệu giao thông, cải tạo vỉa hè và mở thông nút giao Hoàng Liệt - Giải Phóng nhằm tăng tính kết nối cho người dân trong khu đô thị Linh Đàm đi hướng Pháp Vân - Giải Phóng.
“Thành phố đầu tư rất nhiều tiền của làm cầu, làm đường, mở rộng các nút giao thông nhưng ùn tắc chỉ chuyển từ khu vực này sang khu vực khác. Điều này cho thấy, dường như các giải pháp của Hà Nội hiện chưa thực sự “trúng” và chưa có các giải pháp căn cơ để trị được “bệnh” tắc đường” - ông Nguyễn Đức Cường (khu đô thị Đại Thanh, huyện Thanh Trì) thắc mắc.
Trong báo cáo mới nhất gửi UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đang tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội xây dựng kế hoạch, giải pháp nhằm xử lý 10/34 điểm ùn tắc còn tồn tại, trong đó đặc biệt lưu ý một số điểm như: Lối lên Vành đai 3 trên cao trước cổng tòa nhà Thăng Long Number One, nút giao Bạch Mai - Trương Định, nút giao Đại La - Trần Đại Nghĩa, nút giao Đại La - Ngã Tư Vọng - Giải Phóng, nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, ngã tư Sa Đôi - đường 70... Với mỗi điểm ùn tắc, cơ quan chức năng đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp.
Chưa đột phá, thiếu quyết liệt
Đánh giá về chiến lược chống ùn tắc giao thông của Hà Nội, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trong 6 nhóm giải pháp chủ yếu, có 3 nhóm giải pháp sau được coi như nguyên tắc bất di bất dịch, còn gọi là giải pháp truyền thống: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông; khảo sát, tổ chức lại địa điểm, nút giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự giao thông. Ba nhóm giải pháp này đều đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ, được áp dụng ở tất cả các địa phương, không riêng gì Hà Nội. Ba nhóm giải pháp còn lại mang đặc trưng của Hà Nội và đã được thực hiện từ nhiều năm qua nhưng kết quả rất hạn chế.
Một giải pháp mang tính chiến lược, nhằm phân bổ dân cư hợp lý, giảm áp lực cho hạ tầng giao thông đã được đề ra, đó là tạo sự đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô, nhưng đến nay quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi việc di dời quá chậm thì không ít nhà máy, cơ sở sản xuất đã nhanh chóng chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án xây dựng nhà cao tầng thương mại. Việc triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch cũng gần như giậm chân tại chỗ. Chung cư liên tiếp mọc lên trong nội đô vốn đã chật hẹp. Sự gia tăng dân số cơ học, gia tăng phương tiện với cấp số nhân đã khiến hạ tầng ngày càng quá tải. Thế nên, các giải pháp “chạy theo giải quyết phần ngọn” dù có hay đến mấy cũng chưa thể giải quyết rốt ráo vấn đề.
Trong khi đó, một số giải pháp xử lý đủ sức nặng để kéo giảm ùn tắc giao thông lại đang được triển khai quá chậm. “Chưa thể khẳng định việc thu phí phương tiện vào nội đô có thể giúp giảm ngay ùn tắc, nên phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác. Tuy nhiên, thu phí vào nội đô phải là điểm đột phá và cần được triển khai sớm. Chỉ có khoảng 15 - 20% người sử dụng ô tô cá nhân chịu tác động nhưng toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này. Do đó, các cơ quan chức năng cần lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các chuyên gia và nhân dân trên tinh thần “Vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh” - Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân kiến nghị.
Sự chậm chạp trong việc triển khai các dự án đường sắt đô thị theo quy hoạch, cộng với ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội nên việc “hạn chế” hay “cấm đoán” các phương tiện cá nhân cũng luôn là chủ đề gây tranh cãi.
Cần lưu ý là hiện nay, ùn tắc đã lan ra các khu vực cửa ngõ của thành phố và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Long, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này xuất phát từ việc chậm trễ xây dựng hoàn chỉnh đường Vành đai 3 và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội chưa được đầu tư. “Để giải quyết tình trạng lỗi nhịp của tuyến đường Vành đai 3, đặc biệt là sự quá tải trên cầu Thanh Trì và các tuyến trong nội đô, giải pháp lâu dài là tức tốc làm đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội” - ông Long nhận định.
Có lẽ, hiện nay, cùng với phát triển kết cấu hạ tầng, chúng ta cần hành động quyết liệt hơn trong xây dựng quy hoạch, thực hiện quy hoạch, bố trí dân cư hợp lý, để giao thông thực hiện đúng sứ mệnh kết nối phát triển thay vì đuổi theo giải quyết “sự đã rồi”.