Tiết kiệm 72.068 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước trong năm 2021
Kinh tế - Ngày đăng : 11:28, 25/04/2022
Thu hồi 17.825 tỷ đồng và 811ha đất về ngân sách nhà nước
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán, trong đó, ngân sách nhà nước đã quyết định chi 74 nghìn tỷ đồng để phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2021 là 72.068 tỷ đồng, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách.
Lũy kế giải ngân năm 2021 là 383,57 nghìn tỷ đồng, đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm 2021 đến hết ngày 31-1-2022 là 431.188,53 tỷ đồng, đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành năm 2020, đã loại ra khỏi giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán là 12,36 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,17% tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán.
Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Đến hết năm 2021, biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra.
Trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 179.304 tỷ đồng, 9.258ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 17.825 tỷ đồng và thu hồi 811ha đất. Tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.690 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 115.841 tỷ đồng, 627ha đất; xử lý hành chính đối với 3.267 tập thể, 8.724 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 70 đối tượng.
Năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, Chính phủ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến các "nút thắt, điểm nghẽn" chưa có quy định chi tiết, hoặc chưa hướng dẫn cụ thể. Tăng cường chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ cũng quyết liệt đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng chậm triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; có chế tài xử lý các trường hợp chậm giải ngân, chậm triển khai các dự án, công trình sử dụng vốn đầu tư công do nguyên nhân chủ quan; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đưa vào sử dụng các các dự án quan trọng quốc gia. Đồng thời, tăng cường các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các biện pháp chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Hà Nội đã thực hành tiết kiệm hiệu quả
Thảo luận về báo cáo, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, quản lý sử dụng tài sản công còn thiếu văn bản quy định chi tiết, còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công ở một số cơ quan, đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng, việc sắp xếp lại xử lý nhà đất chưa cụ thể, phải chấm dứt việc sử dụng tài sản công chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các dự án treo khi thu hồi đất mà không sử dụng, nhiều chủ đầu tư được cấp đất nhưng không phải thực hiện mà để chuyển nhượng qua nhiều lần để hưởng chênh lệch, từ đó khiến dự án treo.
“Ở đây do ý thức của các chủ đầu tư và các cấp chính quyền, biết không thực hiện được nhưng vẫn giao cho chủ đầu tư nên có dự án chuyển 2-3 lần nhà đầu tư nhưng dự án không thực hiện”, Trưởng ban Công tác đại biểu nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần đánh giá xem việc thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí là một trong những tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, báo cáo cần làm rõ kết quả công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, trong năm 2022, phải xác định tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn gây lãng phí nhiều để chú trọng như xây dựng cơ bản, gồm các công trình trụ sở, nhà làm việc; các công trình giao thông trọng điểm, cầu đường…
Cho ý kiến tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở, báo cáo cần nêu ra được một số nội dung nổi bật, làm tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với những năm trước như công tác thu ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội; tập trung triệt để tiết kiệm các khoản chi; tăng cường quản lý các nguồn lực phòng, chống dịch...
“Cần nêu rõ địa phương nào làm tốt, tiết kiệm các khoản chi, huy động các nguồn lực. Tôi lấy ví dụ như thành phố Hà Nội trong năm 2021 đã tiết kiệm được rất nhiều tiền. Phải có địa chỉ cụ thể địa phương nào, bộ, ngành nào làm tốt để nêu trong báo cáo chính”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Từ công tác tinh gọn, sắp xếp biên chế, đồng chí Vương Đình Huệ cho rằng, cần làm rõ tương ứng là giảm được bao nhiêu chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. “Nhiều địa phương đã chi đầu tư phát triển chiếm 49-51% chi ngân sách hằng năm. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh gần như 50% chi cho đầu tư phát triển, chỉ 50% là chi thường xuyên”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt một số kết quả tích cực mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh. Tuy nhiên, trên cả 7 lĩnh vực quan trọng theo quy định Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm, còn vi phạm, sai sót... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5-2022).