Vi phạm về đất đai tại phường Ngọc Thụy
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:44, 26/04/2022
Trong vai người mua đất, phóng viên Báo Hànộimới đã tới khu vực trên để tìm hiểu thực tế. Một số người dân ngõ 113 phố Bắc Cầu đã dẫn chúng tôi đến dải đất bãi bồi sát bờ sông Hồng, nơi có nhiều hàng rào lưới đen kéo dài vài trăm mét quây cao tới 3-4m, có cửa khóa ngoài. Tại đây có một số lô đất đang được san lấp mặt bằng và cả công trình đang hoàn thiện. Tuy nhiên, “người môi giới” cho biết những công trình này đã có chủ và dẫn phóng viên đi xem những vị trí khác thuộc các tổ 34, 35, 36 phường Ngọc Thụy.
Trên dải đất trống dọc sông Hồng, một số vị trí được trồng vài cây hoa, cây rau thưa thớt và được cho là đã bán. Nhiều miếng đất khác thì đang được san lấp mặt bằng. Tại một số vị trí thì đã được quây lại, xây dựng nhà, trồng cây, làm tiểu cảnh, điện trang trí sáng... và hiện được rao bán giá trên 2 tỷ đồng. Người bán cho biết, để có được công trình này, họ phải mất hơn 2 năm, đổ hàng trăm xe đất rồi xây dựng kiểu “du kích” để né tránh sự kiểm tra, xử lý của chính quyền. Đã có một số lần chính quyền phường tới tháo dỡ nhưng sau đó công trình được làm lại. Thủ tục giấy tờ mua bán viết tay, nếu chính quyền xử lý thì người mua phải gánh chịu rủi ro. Bên cạnh công trình hoàn thiện khang trang, một số vị trí đất bên cạnh được người dân cho biết đã mua bán trao tay xong, sắp tới sẽ làm công trình như “nhà mẫu” vừa mô tả. Thậm chí, để thuyết phục người xem đất, những chủ công trình và chủ đất còn khẳng định họ đang chung nhau mua thêm diện tích của các hộ canh tác để làm đường ô tô vào tận nhà...
Có thể thấy những phản ánh của người dân các tổ dân phố 34, 35, 36 phường Ngọc Thụy là có cơ sở. Trao đổi với phóng viên, một số người dân đề nghị được giấu tên đều chung một bức xúc về việc khi người dân tiến hành xây dựng, sửa chữa dù có vi phạm rất nhỏ cũng đều bị xử lý quyết liệt nhưng tại sao công trình rộng vài trăm mét vuông dựng trên đất bãi, ảnh hưởng hành lang thoát lũ mà vẫn có thể “qua mắt” được chính quyền?! “Trên thực tế chúng tôi không hề thấy chính quyền hoặc lực lượng chức năng về đê điều tới xử lý vi phạm”, một người dân bất bình nói.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Lê Thị Bích Hoài thừa nhận tồn tại việc xây dựng trái phép trên đất bãi tại khu vực này. Chính quyền phường đã nỗ lực ngăn chặn, xử lý việc đổ đất xây dựng nhà trái phép ở bãi bồi ven sông Hồng, nếu không thì các vi phạm còn tràn lan hơn. Nói về các công trình tồn tại và các trường hợp đã và đang tiếp tục đổ đất, san nền, dựng nhà trên đất nông nghiệp và đất bãi bồi tại các tổ 34, 35, 36, bà Hoài cho biết chính quyền phường đang tiếp tục kiểm tra, có biện pháp xử lý. Mới đây nhất vào các ngày 14, 16 và 18-2-2022, UBND phường đã lập biên bản, lập tổ công tác xử lý 2 trường hợp đổ đất trái phép tại khu vực này. Trước đó, ngày 28-12-2021, UBND phường cũng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện công tác quản lý đất đai trên địa bàn phường năm 2022 gắn với thực hiện nghị quyết chuyên đề của Quận ủy Long Biên về tăng cường quản lý đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn quận. Trong đó, phần yêu cầu ghi rõ: Tiếp tục xử lý các vi phạm trong quản lý sử dụng đất nông nghiệp; khắc phục tồn tại hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai của UBND phường; tăng cường hiệu lực quản lý đất đai, ngăn chặn và xử lý vi phạm đất đai...
Tuy nhiên, trên thực tế thì gần 4 tháng sau khi kế hoạch được ban hành, các vi phạm về đất đai tại phường Ngọc Thụy vẫn tồn tại và tiếp diễn. Điều này khiến nhân dân và dư luận đặt câu hỏi về sự quyết liệt và hiệu quả trong hành động của chính quyền phường. Người dân cũng lo lắng rằng nếu cứ “mắt nhắm mắt mở” như vậy thì không bao lâu nữa, các công trình kiên cố sẽ lấp dần bãi bồi sông Hồng, gây khó khăn hơn cho công tác xử lý vi phạm.