Mức đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với mức đầu tư
Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 09/02/2023
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, năm 2021 tổng tài sản doanh nghiệp FDI đạt hơn 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu là hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3%. Tuy vậy, nợ phải trả lên tới hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%. Một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lớn như thông tin truyền thông là trên 4 lần; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm 3,85 lần; sản xuất phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí 2,93 lần.
Đáng chú ý, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng. Năm 2021, số doanh nghiệp báo lỗ là 14.293 doanh nghiệp, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020 với giá trị lỗ lên tới 168.334 tỷ đồng. Số doanh nghiệp lỗ lũy kế là 16.258 doanh nghiệp, tăng 8% so với năm 2020; doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp, tăng 15%.
Cũng theo Bộ Tài chính, doanh thu của khu vực FDI năm 2021 là hơn 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế là 366.222 tỷ đồng, tăng 29,6%. Theo đó, nộp ngân sách nhà nước 179.630 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm 2020.
“Dù quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu, cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư”, báo cáo trên chỉ ra.
Theo Bộ Tài chính, tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy, việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả và chưa phát huy được tiềm lực.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, doanh nghiệp FDI đã góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, số nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế, cho thấy, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.
Trên thực tế, đây là khu vực được nhận nhiều ưu đãi về thuế, phí, đất đai. Trước đó, năm 2020, 56% doanh nghiệp FDI báo lỗ.
Chuyên gia tài chính - kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, số doanh nghiệp FDI lỗ rất lớn và số doanh nghiệp lỗ không thay đổi trong 2 năm qua. Đây là con số rất đáng báo động, khó chấp nhận, và càng khó chấp nhận hơn khi có doanh nghiệp liên tục lỗ, lỗ mất vốn nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Có hai trường hợp, doanh nghiệp lỗ thật hoặc doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cũng từng thừa nhận, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn một số tồn tại, hạn chế, như còn hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở một số doanh nghiệp FDI.
Theo một số chuyên gia, phương thức phổ biến của doanh nghiệp để trốn thuế, chuyển giá là nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp kê khai lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam. Hoặc, chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.
Vì vậy, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đầu ra, đầu vào của doanh nghiệp FDI. Cùng với đó, thu hút đầu tư có chọn lọc, khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài phải lựa chọn doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính.
Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, các cơ quan chức năng cần làm rõ những nghi vấn về trốn thuế, né thuế, chuyển giá của doanh nghiệp khối FDI.